<div> <p style="text-align: justify;">Chiều 9/11, <strong>Bình Định</strong> trời âm u, hàng chục chiến sĩ biên phòng đến kè biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, nơi có 14 căn nhà bị sập trong bão số 5 - <span>Matmo</span> do kè biển bị sóng đánh vỡ, để giúp người dân gia cố kè. </p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Người dân dùng lưới thép bao quanh các tảng đá để gia cố kè biển xã Nhơn Hải. Ảnh: Thạch Thảo." src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/17/bao-so-6-6417-1573294610.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Người dân dùng lưới thép bao quanh các tảng đá để gia cố kè biển xã Nhơn Hải. Ảnh: <em>Thạch Thảo.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Ông Nguyễn Văn Khanh (65 tuổi) ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải vừa thả tảng đá lớn vào trong lưới thép, nói rằng từ chiều qua bà con đã rủ nhau dồn cát, chằng đá để bảo vệ kè. "Chúng tôi nghe bão này mạnh hơn bão trước nên khẩn trương sửa chữa", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">Cách nhà ông Khanh vài trăm mét, ông Nguyễn Văn Cho, người bị sóng cuốn sập nhà, chỉ còn lại hai phòng trong bão Matmo, cho biết vợ chồng ông sẽ chuyển đến nhà con trai cách xa bờ biển để tránh bão. "Bão cũ chưa qua đã lo bão mới", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">UBND TP Quy Nhơn đã lên kế hoạch di dời khoảng 140 hộ dân ở xã Nhơn Hải vào sáng mai. "Lực lượng quân đội, công an sẽ ở lại giúp người dân sơ tán đến trụ sở thôn, xã, trường học", ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết.</p> <p style="text-align: justify;">Tại đường Xuân Diệu, người dân nội thành Quy Nhơn cũng ra bờ biển xúc cát về gia cố nhà cửa. Tại huyện Phù Cát, 300 m3 đá Núi Gành ở xã Cát Minh bị sạt lở, chính quyền đã vận động người dân đến nhà người khác cùng thôn để ở tạm. Sau bão, nhà chức trách sẽ quy hoạch đất, bố trí cho người dân nơi ở mới.</p> <p style="text-align: justify;">Tại cảng Quy Nhơn, nơi có bảy thuyền bị sóng đánh đứt dây neo trong bão số 5, hiện có 56 tàu neo đậu ở nơi an toàn. Việc xếp dỡ hàng hóa bị tạm dừng từ sáng nay để ứng phó bão.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Người dân TP Quy Nhơn dồn cát vào bao để chằng chống nhà trước khi bão Nakri đổ bộ. Ảnh: Thạch Thảo." src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/28/nguoi-dan-quy-nhon-do-cat-vao-5538-7386-1573294610.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Người dân TP Quy Nhơn dồn cát vào bao để chằng chống nhà trước khi bão Nakri đổ bộ. Ảnh: <em>Thạch Thảo.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Tại huyện Tuy Phước, nơi có hàng trăm nhà dân bị tốc mái trong bão số 5, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra và yêu cầu địa phương di dời hơn 1.000 hộ dân các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng đến nơi an toàn.</p> <p style="text-align: justify;">Thị xã Sông Cầu, <strong>Phú Yên</strong> cũng chưa có mưa, ông Võ Sáng, 62 tuổi, ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, nơi tâm bão số 5 vừa quét qua hai tuần trước vừa đưa bao tải cát, chêm thêm đá trên mái nhà.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Sáng cho biết, nhà ông ở nơi kín gió nên không bị bão cuốn bay tốc mái, nhưng vợ chồng ông cùng con trai, cháu nội ba tuổi vẫn rất lo lắng mỗi khi các tấm tôn va vào nhau khi gió rít mạnh. "Chòm xóm xung quanh tôi ai cũng lo ứng phó bão", ông nói.</p> <p style="text-align: justify;">Gia đình ông Sáng làm nghề biển, ông đã đưa tàu cá vào bờ, kéo thuyền thúng lên cao, lật úp lại để tránh gió thổi bay. Còn những hộ nuôi cá mú, tôm trên các ao đìa đã đóng cọc, căng thêm dây và đắp bờ đê cao hơn, tránh hư hại.</p> <p style="text-align: justify;">Còn anh Nguyễn Văn Đức, 30 tuổi, cách nhà ông Sáng 600 m thì cho biết, nhà anh bị tốc mái trong cơn bão vừa qua. "Bà con xúm lại giúp tôi lợp lại mái tôn, được ít ngày thì bão mới ập đến, chỉ mong sao trời yên", anh nói.</p> <p style="text-align: justify;">Phú Yên có 10.000 người dân nuôi cá lồng lè, khoảng 4.000 người ở khu vực nguy hiểm khác. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã yêu cầu các địa phương di dời người dân nuôi cá lồng bè, người dân các vùng ven biển, cửa sông, vùng sạt lở trước 12h ngày 10/11.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Quảng Ngãi</strong>, người dân huyện đảo Lý Sơn, và các xã bãi ngang của huyện Mộ Đức, Đức Phổ đang hối hả xúc cát chằng chống nhà trước giờ bão đến. Tại TP Quảng Ngãi, công nhân môi trường đã cưa các cây cao, lớn để tránh ngã đổ, vướng vào dây điện.</p> <p style="text-align: justify;">Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã yêu cầu 5.000 bộ đội sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân trong lũ. Cơ quan quân sự thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại đảo Lý Sơn và Đức Phổ (giáp Bình Định) trực tiếp phụ trách. </p> <p style="text-align: justify;">Là địa phương có khả năng xảy ra lũ lớn, sạt lở do bão, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các hộ dân ở trong khu vực có nguy cơ cao lốc xoáy, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất để cắm biển cảnh báo và hỗ trợ di dời dân.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Công nhân môi trường đô thị ở Quảng Ngãi chặt cành cây trước bão Nakri. Ảnh: Phạm Linh." src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/07/chat-cay-bao-matmo-5648-1573294610.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Công nhân môi trường đô thị ở Quảng Ngãi chặt cành cây trước bão Nakri. Ảnh: <em>Phạm Linh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><strong>Khánh Hòa, </strong>trời âm u, gió nhẹ. Biển động, cột sóng cao 2-3 m. Các bãi tắm ở thành phố Nha Trang có nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng vẫn đông du khách nước ngoài xuống tắm, nô đùa trước những cơn sóng to. Nhân viên cứu hộ liên tục nhắc nhở khách lên bờ. Hàng trăm người dân tỉnh này xuống bờ biển xúc cát về nhà để chống bão.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho hay, địa phương sẽ phát lệnh cấm biển từ trưa mai và ngừng các hoạt động đưa du khách ra tham quan các đảo.</p> <p style="text-align: justify;">Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh có hơn 276 điểm xung yếu có nguy cơ chịu ảnh hưởng do mưa lũ, ngập lụt. Hơn 33.000 dân/7.916 hộ tại các điểm xung yếu sẽ sơ tán đến nơi an toàn khi có tình huống mưa lũ xảy ra. Trong đó, TP Nha Trang hiện có 88 điểm xung yếu chủ yếu ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường và Vĩnh Ngọc, nơi từng xảy ra sạt lở ở bão Damrey năm 2017 và mùa mưa bão năm ngoái.</p> <p style="text-align: justify;">"Người dân vùng xung yếu có thể về nhà người thân, hoặc thành phố sẽ đưa họ về nơi trú tránh an toàn. Chúng tôi đã chuẩn bị lương thực và có phương án bảo vệ tài sản cho bà con", ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch TP Nha Trang nói.</p> <p style="text-align: justify;">Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Nakri đang cách vùng biển Khánh Hòa - Quảng Ngãi 450 km về phía Đông. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch huyện <strong>Trường Sa</strong>, Khánh Hòa cho biết, sáng 9/11, bão đã quần thảo nhiều nơi của huyện, khiến từ sáng đến trưa có mưa. Gió mạnh, giật cấp 8-10 và đã làm một số cây nhỏ trên đảo bị quần hư hại. Tuy nhiên, đến chiều nay gió sức gió đã giảm xuống còn cấp 5-6, mưa cũng ngớt hơn. "Mưa kéo dài sẽ làm triều cương dâng cao, khiến một số nơi sẽ ngập vào đêm nay", ông Hải nói.</p> <p style="text-align: justify;">Bão Nakri sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Quảng Ngãi đêm 10/11, với sức gió cấp 9, 10, là bão mạnh nhất từ đầu năm trên biển Đông. Bão số 5 Matmo vào đất liền Bình Định - Phú Yên mười hôm trước là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất, với sức gió cấp 9, bão đã quật ngã hàng nghìn cây xanh, hàng trăm nhà dân và khiến một triệu hộ bị mất điện...</p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div>