Thông tin này được đề cập trong cuộc họp chiều 20/8 của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam với lãnh đạo TP.HCM.
Cuộc họp nhằm triển khai kết luận của Thủ tướng trong cách tổ chức, phối hợp giữa các lực lượng, nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đồng thời đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, nhất là việc người dân được tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi.
Không để người dân tự ý đi chợ
Theo VTV, có 4 vấn đề lớn được đặt ra để thực hiện tốt giải pháp chống dịch gồm: Giãn cách, an sinh xã hội, xét nghiệm và điều trị.
Vấn đề được quan tâm nhất là cung ứng hàng hóa cho người dân, vì trong thời gian thực hịện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân vẫn được ra đường để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, trong 2 tuần tới đây, 100% nhu yếu phẩm cho người dân sẽ do lực lượng chức năng đảm nhiệm; lực lượng phòng, chống dịch phải tiếp cận tới từng người dân.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết từ ngày 23/8, người dân thành phố bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường/xã/thị trấn cách ly phường/xã/thị trấn.
TP.HCM sẽ cấp nhu yếu phẩm tận nhà để người dân không phải ra ngoài đi chợ trong 2 tuần tới. Ảnh: UBMTTQVN TP.HCM cung cấp. |
Thành phố dự kiến các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn...) mỗi ngày.
Cũng theo lãnh đạo TP.HCM, địa phương sẽ triển khai việc không phát phiếu đi chợ trong thời gian tới. Thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các quận/huyện/thành phố Thủ Đức và triển khai xuống phường/xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân; từ đó, siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức: Trả tiền và hỗ trợ miễn phí.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết đã thành lập 310 đội công tác, với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền, vận động, vừa chuyển gói an sinh, lương thực, thực phẩm đến tận từng nhà dân.
Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM đề nghị các bộ, ngành (trong đó có lực lượng bộ đội, công an, ngành công thương) hợp tác giải quyết vấn đề.
Thống nhất lực lượng tối cần thiết phải ra đường
Tại đầu cầu TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định quyết tâm thực hiện thật nghiêm các biện pháp, coi đây là “trận chiến cuối cùng và lớn nhất”.
“Phải quyết tâm cao nhất trong trận chiến cuối cùng, vì sau trận này mà chưa thành công thì không biết sẽ nâng cấp thế nào, cực kỳ khó khăn”, Bí thư TP.HCM chia sẻ.
Nhấn mạnh “chống dịch nhưng phải an dân”, ông Nên yêu cầu các lực lượng hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân nói riêng, công tác an sinh xã hội nói chung. Ông khẳng định toàn hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung chống dịch với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các bộ ngành Trung ương…
Bí thư TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để chống dịch đi kèm với các giải pháp xét nghiệm, bóc tách F0, quản lý điều trị F0 tại nhà, tổ chức tiêm vaccine… hiệu quả.
Cùng với đó, ông lưu ý việc an dân qua chăm sóc y tế, bảo đảm cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, đặc biệt phải hỗ trợ đầy đủ, “không bỏ sót bất cứ ai”, nhất là người khó khăn, không có điều kiện.
Bên cạnh việc tăng cường lực lượng của Trung ương, TP.HCM cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, thành phố phải có sự thống nhất, quy định cụ thể lực lượng tối cần thiết phải ra đường khi thực hiện giãn cách xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải theo phương châm “rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả”. Trong thời gian tới, thành phố phải tiếp tục quán triệt phương châm này trong thực hiện giãn cách xã hội, chú ý đảm bảo vấn đề an sinh như ăn, ở, y tế… cho người dân.
Với việc tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế… hỗ trợ thành phố chống dịch, Phó thủ tướng yêu cầu các hoạt động phối hợp, hiệp đồng, tác chiến phải thống nhất cụ thể, chi tiết.
Đơn cử, thành phố, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế cần thống nhất lực lượng tối cần thiết phải ra đường làm nhiệm vụ. Lực lượng này phải được tiêm vaccine phòng Covid-19, xét nghiệm thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không mắc Covid-19 và không lây nhiễm cho người khác.
Đối với công tác xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19, Phó thủ tướng nêu rõ không được để tập trung đông người, không để lây nhiễm chéo.