Đó là trường hợp người bệnh Đ.N.V (61 tuổi, quê ở Ninh Bình). Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa người phải trong khi thời gian đến cơ sở y tế gần nhất là khoảng 15 phút đi đường. Tuy nhiên, nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp về các địa chỉ điều trị chuyên khoa đột quỵ nên bệnh nhân đã được di chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để cấp cứu sau 30 phút di chuyển.
Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, huyết áp tăng cao của người bệnh, các bác sĩ đã khám và nhận định các dấu hiệu điển hình của đột quỵ não cấp tính, từ đó đưa ra chỉ định chụp CT cắt lớp vi tính mạch máu não.
Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có dựng mạch não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái. Người bệnh được chẩn đoán xác định: “Đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong bên trái/ Tăng.
Sau khi hội chẩn và giải thích gia đình, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não và nhanh chóng được chuyển tới phòng can thiệp. Sau khoảng 40 phút người bệnh đã được can thiệp tái thông thành công, với lượng huyết khối được lấy ra khỏi cơ thể và mạch máu não bị tắc đã tái thông hoàn toàn. Người bệnh đã được chuyển về điều trị tại Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh đột quỵ.
Người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não tại bệnh viện Đa khoa Phú Thọ |
TS Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh viện 103 cho biết, hẹp động mạch cảnh là bệnh thường gặp, chiếm 2-8% dân số, đặc biệt nhiều ở người > 50 tuổi kết hợp với các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch chung, tuổi cao, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu...
TS Tuấn phân tích, động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên 2 bên cổ và sau đó cho nhánh vào não nằm trong sọ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu cho não. Khi động mạch cảnh trở nên hẹp hoặc tắc nghẽn thì được gọi là bệnh động mạch cảnh.
Bệnh nếu không biểu hiện gì đặc biệt thì gọi là hẹp động mạch cảnh không triệu chứng. Bệnh được phát hiện khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác (tim mạch, tuyến giáp…). Còn hẹp động mạch cảnh có triệu chứng là biểu hiện của thiếu máu não hay nặng hơn là tai biến mạch máu não.
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là kết quả của tình trạng thiếu oxy trong một phần của não. Nó có thể do huyết khối (tắc) của động mạch cảnh trong hoặc tắc mạch (di cư của một cục máu đông hoặc mảnh xơ vữa) từ hẹp động mạch cảnh.
Trong cả hai trường hợp, một phần của não ít được tưới máu sẽ có tổn hại thần kinh (liệt) ít nhiều tương ứng với vùng não bị thiếu máu. Sự thiếu máu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ bên của cơ thể (liệt nửa người) hoặc một phần (chi trên và chi dưới) cơ thể và đôi khi kết hợp với liệt mặt hoặc rối loạn ngôn ngữ.
Sự tổn hại thần kinh là ở phía đối diện với tổn thương động mạch (tổn thương phía bên phải của cơ thể trong một hẹp động mạch trái và ngược lại). Thiếu máu cục bộ thoáng qua nếu can thiệp điều trị sớm có thể hồi phục trong vòng vài giờ.
Nếu can thiệp muộn có thể để lại di chứng. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng đến khả năng tầm nhìn tắc động mạch võng mạc trung tâm, dẫn đến mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp này mắt bị ảnh hưởng là cùng bên với tổn thương ĐMC.
TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, 25-30% các trường hợp đột quỵ là do đó hẹp động mạch cảnh. Tuy nhiên, bệnh hẹp động mạch cảnh ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp động mạch bị tàn phế suốt đời.
Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm. Do đó, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như: tuổi > 50, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động..., không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ.