<div> <p>Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp báo công bố dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giới thiệu về các dịch vụ công và lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp.</p> <p>Sau 7 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.</p> <p>Từ 1/7, sẽ có thêm 6 dịch vụ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; đóng BHXH tự nguyện; gia hạn thẻ BHYT; Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT trên phạm vi toàn quốc; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="nop phat vi pham giao thong qua mang anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/29/znews-photo-zadn-vn_img_6766.jpeg" title="nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Từ 1/7, người dân trên toàn quốc có thể truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia để nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT. Ảnh: <em>Hoàng Lam.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước đó, dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm giao thông chỉ thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận.</p> <p>Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên, người vi phạm sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt của mình và thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. CSGT căn cứ vào biên lai thu tiền phạt đó để thực hiện trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu.</p> <p>Người dân chỉ cần cầm biên bản xử phạt. Quy trình thực hiện với người thông thạo chỉ mất 3 phút, còn thông thường mất khoảng 10 phút là thực hiện xong.</p> <p>Phó cục trưởng Cục CSGT cũng cho hay số biên bản xử phạt vi phạm hành chính sinh ra từng ngày, không phải là số duy nhất, vì vậy người dân phải sử dụng 3 trường thông tin gồm số biên bản vi phạm hành chính; ngày - tháng - năm vi phạm; họ và tên để tìm ra quyết định xử phạt.</p> <p>Sau khi thanh toán xong, Cổng sẽ chuyển toàn bộ thông tin hồ sơ của người vi phạm sang hệ thống của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ sang cơ quan CSGT của các địa phương để nhận giấy tờ và chuyển trả cho người vi phạm.</p> <p>Cuối tháng 4, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết đã đưa 1.903 quyết định xử phạt lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, số người người dân đóng tiền xử phạt trực tuyến có 5 trường hợp, có 441 người dân trực tiếp nộp tại Kho bạc Nhà nước và mang biên lai đến cảnh sát giao thông, còn lại trên 1.000 trường hợp chưa nộp phạt.</p> <p>Ngoài ra, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng là dịch vụ được doanh nghiệp người dân rất quan tâm.</p> <p>Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch.</p> <p>Như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chínhđã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.</p> <p>“Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là <abbr class="rate-vnd">428,4 tỷ đồng</abbr>/năm", ông Phan cho biết.</p> </div> <p> </p>