<div> <p>Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 137 so với Nghị định 36 ban hành năm 2009 là phân định rõ pháo hoa nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ.</p> <p>Đồng thời, người dân, doanh nghiệp được sử dụng loại pháo hoa không gây tiếng nổ trong một số trường hợp nhất định.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Nguoi dan duoc dot phao hoa anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/28/znews-photo-zadn-vn_htgt.jpg" title="Người dân được đốt pháo hoa ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Một loại pháo hoa không gây tiếng nổ được doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng sản xuất. Ảnh: <em>Z121.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Cụ thể, pháo hoa nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các trường hợp sử dụng loại pháo này phải được Thủ tướng hoặc chính quyền các địa phương cho phép. Loại pháo hoa này được sử dụng vào các ngày lễ lớn và ngày hội văn hóa mang tầm quốc tế.</p> <p>Loại pháo hoa có đặc tính tương đương nhưng không gây ra tiếng nổ được phép sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.</p> <p>Trường hợp được sử dụng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.</p> <p>Nghị định cũng nêu rõ khi mua pháo hoa để kinh doanh, các tổ chức cần nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua pháo hoa và nộp tại cơ quan công an. Sau 5 ngày, công an sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy phép mua pháo hoa. Giấy phép này sẽ có thời hạn 30 ngày.</p> <p>Trước đó, Nghị định 36 năm 2009 quy định chung các loại pháo hoa là sản phẩm có thể gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của Thủ tướng, chính quyền các địa phương trong những ngày lễ lớn.</p> </div> <p> </p>