<div> <p style="text-align: justify;">Khoảng 20h ngày 5/7, hàng chục người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã dỡ bỏ lều bạt, chướng ngại vật ngăn xe rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.</p> <p style="text-align: justify;">Động thái này diễn ra sau khi chiều tối cùng ngày, chính quyền huyện Sóc Sơn gặp gỡ người dân và thông báo chính sách của thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ vướng mắc dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Vũ Tiến Lực, Trưởng thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn) xác nhận việc đường vào bãi rác Nam Sơn đã thông xe và cho hay, "giá đền bù giải phóng mặt bằng vùng di dân (bán kính 500 m tính từ tường bãi rác) theo thông báo mới là phù hợp với kiến nghị của người dân; chúng tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ đề di dời đến nơi ở mới". </p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Xe tải chở rác vào Khu liên hợp Nam Sơn. Ảnh: Giang Huy" src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/06/65867387-899860280347836-71413-7525-1166-1562341520.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Xe tải chở rác vào Khu liên hợp Nam Sơn. Ảnh: <em>Giang Huy</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Ông Vũ Cường - Phó tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội cho hay, đơn vị huy động cán bộ, công nhân viên thay ca làm việc suốt đêm (5/7) để tiếp nhận rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.</p> <p style="text-align: justify;">"Số rác tồn đọng trong các bãi tạm của nội thành Hà Nội trong hơn 4 ngày qua khoảng 15.000 tấn. Chúng tôi cố gắng để hoạt động thu gom rác của thành phố trở lại bình thường sau 3 ngày nữa", ông Cường nói.</p> <p style="text-align: justify;">Trước đó từ 17h chiều 1/7, nhiều người dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã dựng lều chặn xe chở rác vào Khu liên hợp này, vì tiến độ dự án di dời dân vùng bị ảnh hưởng diễn ra chậm trễ; một số điểm trong chính sách đền bù đất ở chưa thỏa đáng. Tình trạng này kéo dài hơn 4 ngày khiến rác sinh hoạt ùn ứ trên nhiều tuyến đường nội thành; các quận phải bố trí bãi tạm để chứa rác.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Giang Huy" src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/06/bai-rac1-3197-1562338138.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: <em>Giang Huy</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Sáng 5/7, UBND thành phố Hà Nội đã họp với các bên liên quan, thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.</p> <p style="text-align: justify;">Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh công việc liên quan; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.</p> <p style="text-align: justify;">UBND huyện Sóc Sơn cũng có trách nhiệm vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để mọi người biết và chấp hành; không tiếp tục có các hành vi trái phép chặn xe vận chuyển rác.</p> <div> <p style="text-align: justify;">Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô lớn nhất Hà Nội với hơn 157 ha. </p> <p style="text-align: justify;">Giữa tháng 1/2019, nhiều người dân địa phương đã dựng lều bạt để ngăn xe vào Khu liên hợp. Tình trạng này kéo dài 4 ngày khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác. Tối 13/1, thành phố đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu liên hợp. Văn bản nêu, trước ngày 30/3, huyện sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, đảm bảo tiến độ trong quý II/2019. </p> <p style="text-align: justify;">Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, trong đó có đất nông nghiệp và đất nhà ở. </p> </div> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>