Người có bướu nhân có dễ bị ung thư tuyến giáp không?

Đại đa số những người khi phát hiện có nhân (u) ở tuyến giáp thì thường nghĩ ngay đến ung thư, và dù được chẩn đoán là u lành nhưng nhiều người vẫn đòi được mổ cắt u vì sợ ung thư tuyến giáp về sau.

Trước đây các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bị ung thư tuyến giáp là khoảng 7-15% ở những người có bướu nhân tuyến giáp, nhưng nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ này có xu hướng thấp hơn nhiều.

Một nghiên cứu ở Đức trên 17.592 người có u tuyến giáp > 1cm được phát hiện trên siêu âm, trong đó 7.776 người được chọc tế bào u giáp do có đặc điểm nghi ngờ trên siêu âm và 9.816 người chỉ được theo dõi bằng siêu âm.

Ngoài 1.293 bệnh nhân được chỉ định mổ, và 9.568 bệnh nhân được cho về vì kết quả siêu âm hoặc tế bào học chắc chắn lành tính thì có 6.731 bệnh nhân (chiếm 38,3%) được theo dõi trong thời gian trung bình là 5 năm, lâu nhất là tới 23 năm (từ 1989 – 2013).

Kết quả: Tổng số có 189 người (chiếm 1,1%) được chẩn đoán ung thư tuyến giáp dựa trên kết quả chọc tế bào, không tính số bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp (< 1 cm).

Trong đó có 155 bệnh nhân được phát hiện ung thư trong năm đầu, 25 bệnh nhân từ năm 2-5, 9 bệnh nhân từ năm 6-10 theo dõi. Không có ai trong số 1.165 người còn lại được theo dõi trên 10 năm bị ung thư thêm.

Như vậy, có thể thấy là tỷ lệ ung thư trong số các bệnh nhân có bướu nhân tuyến giáp thấp hơn nhiều so với các báo cáo trước đây.

Tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở những người được theo dõi trên 5 năm giảm nhanh xuống mức dưới 1/1000 ca.

Vì vậy, những người mới được phát hiện có u tuyến giáp không nên lo ngại và cũng không cần làm quá nhiều các xét nghiệm thăm dò, hay thủ thuật không cần thiết.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top