Người chưa tiêm văcxin là “nhà máy” sản xuất biến thể?

(khoahocdoisong.vn) - Cho rằng người chưa tiêm văcxin Covid-19 chính là các “nhà máy” sản xuất biến thể của virus là điều không thuyết phục, thiếu căn cứ khoa học.

Đột biến nhân lên ở người nhiễm virus

Ngày 4/7, phát biểu trên kênh CNN, GS.TS William Schaffner, công tác tại Khoa Bệnh Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) cảnh báo, những người không (hoặc chưa được) tiêm  văcxin Covid-19 là những nhà máy sản xuất biến thể tiềm tàng. Càng có nhiều người không được chủng ngừa, virus càng có nhiều cơ hội sinh sôi, phát triển.

Theo đó, các loại virus đều đột biến trong cơ thể vật chủ, trong khi một số đột biến làm suy yếu virus, một số khác lại giúp ích cho nó dễ lây nhiễm hơn hoặc khả năng lây nhiễm vật chủ đa dạng hơn. Khi virus xuất hiện, nó sẽ đột biến và có thể tạo ra một dạng đột biến thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Khi virus truyền sang người khác, đột biến sẽ nhân lên và nếu đủ mạnh, nó sẽ trở thành một biến thể. Một phiên bản đột biến phải tự tái tạo để trở thành một biến thể mới, và những người chưa được tiêm ngừa sẽ tạo cho nó cơ hội đó.

Về cơ bản, nếu virus không lây lan thì không thể đột biến nên phạm vi tiêm chủng càng bao phủ thì hiệu quả ngăn chặn các đột biến trở thành biến thể đáng lo ngại càng cao. Thống kê cho thấy những biến thể nguy hiểm nhất thường được phát hiện trong giai đoạn số lượng bệnh nhân tăng cao. Mỗi khi virus thay đổi, nó lại bổ sung một nền tảng khác để xuất hiện thêm nhiều đột biến.

Không đồng tình với quan điểm đột biến virus chỉ xuất hiện ở người chưa tiêm văcxin, GS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, điều này là không có cơ sở khoa học. Theo các nghiên cứu đến thời điểm này thì virus SARS-CoV-2 có tốc độ (tần suất) đột biến ngẫu nhiên ~11 ngày/ 1 điểm (nucleotide). Do đó, virus có thể nhiễm cho người chưa tiêm và cả những người đã tiêm, rồi nhân lên và tiếp tục đột biến theo cách ngẫu nhiên của nó.

Theo cơ chế miễn dịch tự nhiên, trong cơ thể người chưa tiêm văcxin, virus khi xâm nhập sẽ nhân lên và cùng “chiến đấu” với hệ miễn dịch của cơ thể. Tùy thuộc vào sức đề kháng của từng người mà kết quả của cuộc “chiến đấu” này khác nhau. Song đa số các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đều khỏi bệnh do hệ miễn dịch đã đánh bại virus.

Người tiêm văcxin rồi, virus vẫn đột biến

GS.TS Nông Văn Hải cho biết, trên thực tế, với những người đã tiêm văcxin cũng không thiếu người có hệ miễn dịch kém. Ở đây không loại trừ khả năng virus vừa nhân lên vừa "đột biến định hướng" sao cho, theo cách "chọn lọc tự nhiên" là "né tránh miễn dịch" đối với các kháng thể sẵn có của cơ thể. Từ đó, các biến thể mới xuất hiện, không loại trừ cả người đã tiêm văcxin. Việc tiêm văcxin là cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh, song không thể cho rằng người chưa tiêm văcxin chính là nơi “sản xuất” các biến thể của virus.

Các loại virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gene, nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gene di truyền so với bộ gene ban đầu của virus, điều này được gọi là đột biến gene. Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình virus sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gene của virus có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gene của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Do đó, người đã tiêm văcxin không được chủ quan, người chưa tiêm văcxin cũng không nên quá lo sợ.

Theo Đời sống
back to top