Người bị ung thư có nên kiêng thịt gà?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người bị ung thư sợ không dám ăn thịt gà, trứng gà vì sợ tái phát ung thư, ăn nhiều sẽ sinh đờm động hỏa, hao tán khí huyết làm bệnh nặng thêm. Nhưng thực tế thịt gà lại rất tốt để bồi bổ.

Gà được xếp vào thực phẩm có giá trị

Vào thập niên 50 của thế kỷ 20, hầu như rất ít bệnh nhân nói đến vấn đề kiêng ăn thịt gà. Vào khoảng cuối thập biên 60, đầu thập niên 70, vấn đề kiêng ăn thịt gà mới được lưu truyền và ngày càng rộng lớn, từ việc kiêng ăn thịt gà tới kiêng ăn trứng gà. Quan niệm lưu truyền không có căn cứ này có bối cảnh văn hóa tâm lý riêng của nó. 

Thực tế trong cuốn sách thuốc Đông y sớm nhất còn lại Thần nông bản thảo kinh thịt gà được xếp vào hàng “thực phẩm có giá trị”, có thể “chủ dưỡng mệnh” để thích hợp với khí trời, không độc, ăn nhiều, ăn lâu dài không hại đến sức khỏe”. Thịt gà có công dụng “bổ hư”, có thể “cầm máu”... là một loại thực phẩm rất tốt, dùng để bồi bổ.

Trong bộ sách Đông y Hoàng đế nội kinh có nhắc đến công dụng của gà trong việc điều trị bệnh “cổ trướng”. Đời Tống có một cuốn sách thuốc nổi tiếng Thái bình quái hệ phương, dùng gà để trị “ế cách”, một căn bệnh hiện nay gọi là ung thư thực quản, ung thư tâm vị.

Trong những “phương thuốc bí quyết” dân gian có nhiều bài thuốc dùng gà, trứng gà để điều trị khối u. Lấy nấm Khẩu Bắc (còn được gọi là nấm Mông Cổ, nấm mây, nấm bạc) hầm với gà chữa bệnh ung thư gan. Hay lấy trứng gà nấu cùng sâu ban miêu trị nhiều loại ung thư.

Những bài thuốc chữa trị bệnh ung thư trong Đông y hiện đại, có kê nội kim là vị thuốc thường dùng. “Ô kê bạch phụng hoàn” là một bài thuốc nổi tiếng, trong đó ô cốt kê và bạch phụng (bạch kê) trước đây dùng điều trị ung thư phụ khoa và các loại bệnh phụ khoa khác, dùng khi cơ thể suy nhược, số lượng bạch cầu giảm... Do đó, theo quan điểm trong ngành y học, vấn đề cho rằng, bệnh nhân ung thư phải kiêng thịt gà là không đúng.

Âm hư nội nhiệt không nên ăn thịt gà

Gà tính ôn, vị ngọt, có công dụng: ôn trung ích khí, kiện tỳ, bổ ngũ tạng. Do đó, sách xưa nói “bổ hư doanh là chủ yếu”. Người xưa, những người khi mới khỏi bệnh cơ thể suy nhược thường được cho ăn thịt gà để bồi bổ. Tuy nhiên, vì gà nghiêng về tính ôn, nên nếu bị âm hư nội nhiệt, thấp nhiệt, tiêu hóa không tốt, không nên ăn hoặc ăn ít thịt gà.

Có nhiều cách chế biến thịt gà. Gà hầm suông hoặc có thể cho thêm ít nấm hương hay măng... hương vị rất ngon. Những người mắc bệnh ung thư đang trong thời kỳ hồi phục sức khỏe, dạ dày chưa tốt, uống một bát nhỏ canh gà rất tốt. Hoặc dùng món gà ngâm bã rượu cũng rất ngon và bổ dưỡng. Cách chế: Gà luộc nhừ chặt thành miếng to cho vào hũ bã rượu, ngâm với rượu vàng, trên miệng mũ phủ túi vải có bọc bã thơm (dứa) bên trong. Khoảng 2 – 3 ngày sau có thể lấy ra ăn, thịt gà thơm mùi bã rượu. Thịt gà cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như gà rán, gà xào ngô, gà xào tương, gà thái sợi... nhưng chủ yếu là rán.

Trứng gà tính bình vị ngọt, có công dụng bổ khí, bổ tinh, là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Lấy vỏ trứng gà nghiền thành bột mịn, làm thuốc trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản quá nhiều. Đây là bài thuốc rất tốt trong dân gian. Màng trong vỏ trứng gà gọi là “áo phượng hoàng” là một vị thuốc Đông y, điều trị bệnh khản tiếng. Trong các bài thuốc Đông y trị ung thư cũng có khi dùng đến màng trứng gà.

Kê nội kim là vị thuốc Đông y “ma kiên tán kết” (mài mòn và làm tan khối cứng). Nếu bị chứng tiêu hóa không tốt, các loại bệnh ung thư, trong các bài thuốc Đông y để trị bệnh cũng thường được dùng đến. Gan gà có công dụng bổ gan thận.

Tóm lại, Đông y từ xưa đến nay đều cho rằng, gà là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Không có một bằng chứng nào chứng minh được gà làm tái phát bệnh ung thư.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Theo KH&ĐS
back to top