“Ngực to”... có lo ung thư vú?

Ung thư vú đứng đầu trong các loại ung thư ở nữ giới nhưng hầu hết chị em lại không biết về nguy cơ ung thư này đặc biệt “có sẵn trên người”. Ngoài tiền sử gia đình, đột biến gen… đôi khi không lấy chồng, không sinh con, không cho con bú… cũng là yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Một nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy, những người có bộ ngực dày có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn từ 1,2 - 4 lần. Ước tính có khoảng 40 - 50% phụ nữ trải qua chụp X-quang tuyến vú được báo cáo là có bộ ngực dày.

Ngực dày nguy cơ cao gấp đôi so với tiền sử gia đình

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, nổi bật nhất là tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt gia đình có từ 2 người mắc ung thư vú trở lên ở lứa tuổi trẻ.

Hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người mắc mới bệnh ung thư vú, đứng thứ hai sau ung thư phổi và chiếm khoảng 12% trong tổng số bệnh nhân ung thư trên thế giới. Nếu chỉ tính riêng với phụ nữ thì ung thư vú đứng hàng thứ nhất về tỷ lệ mắc.

Các nghiên cứu cũng tìm ra, yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và ung thư vú trẻ hóa như: sử dụng thuốc tránh thai phối hợp và liên tục có tăng nguy cơ; các yếu tố như tiền sử gia đình, gene (BRCA1, BRCA2, BRCA3, p53), bệnh cowden (bệnh hiếm do rối loạn nhiễm sắc thể), gen thụ thể andogen, ảnh hưởng phóng xạ, virus…

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tại Mỹ trên gần 2.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 40-76 cho thấy, những người có bộ ngực dày có “nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn từ 1,2 đến 4 lần (tùy thuộc vào mức độ dày đặc)” so với “nguy cơ cao hơn 2,0 lần liên quan đến tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú cấp độ một”.

Một nghiên cứu khác cũng cho biết, những phụ nữ có mật độ mô vú cao hơn, có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 6 lần.

Bác sĩ bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh Trần Hải

Bác sĩ bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh Trần Hải

Nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ cho biết, ước tính có khoảng 40-50% phụ nữ trải qua chụp X-quang tuyến vú được báo cáo là có bộ ngực dày.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn phụ nữ không coi mật độ vú là một yếu tố rủi ro và một phần ba không tin rằng họ có thể thực hiện bất kỳ hành động nào để giảm nguy cơ ung thư vú.

Các chuyên gia cho biết, bộ ngực dày bao gồm nhiều mô tuyến vú hơn so với mô mỡ. Tuy nhiên, các mô mỡ ở ngực càng dày đặc thì càng khó phát hiện các khối u và béo phì cũng là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú.

Yếu tố ung thư luôn có sẵn - cần phát hiện sớm

GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết, ung thư vú là loại ung thư đứng đầu ở nữ giới và đang gia tăng nhanh chóng ở người trẻ tại Việt Nam. Thống kê năm 2020 cho thấy mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.

Trước đây, ung thư vú vẫn được xem là rất hiếm gặp ở lứa tuổi dưới 30 (bệnh thường gặp ở tuổi trung niên 45 – 50 hoặc người già) nhưng gần đây, ung thư vú dưới 30 tuổi không còn là hiếm gặp nữa, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, tăng lên trong giới trẻ chưa lập gia đình và có người chỉ mới 19, 20 tuổi…

Bác sĩ bệnh viện K tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh Trần Hải

Bác sĩ bệnh viện K tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh Trần Hải

Điều đáng nói, bệnh nhân mắc ung thư vú ở tuổi càng trẻ thì độ ác tính càng cao và thường được tiên lượng nặng hơn bệnh nhân ung thư vú cùng giai đoạn có tuổi lớn hơn, vì ở tuổi sung sức, yếu tố phát triển nhân đôi và phát tán tế bào ung thư sẽ mạnh hơn.

GS.TS Đức cảnh báo: “Yếu tố ung thư luôn có sẵn trên người nên chị em cần phải lưu tâm. Chẳng hạn, có kinh lần đầu tiên sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ độc thân, không sinh con, không cho con bú, sinh con đầu lòng muộn, viêm vú trong khi sinh đẻ và một số bệnh vú lành tính.

Đặc biệt là chế độ ăn nhiều mỡ, béo phì, nhất là béo phì nửa trên cơ thể, uống nhiều rượu, hút thuốc lá cũng được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ gây ung thư vú nói chung và ung thư vú ở người trẻ nói riêng”.

Theo GS.TS Đức, ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, vì bệnh nhân tự sờ thấy được. Với bệnh ung thư vú nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể khỏi hoàn toàn (ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%).

Tại Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con.

Cách phòng tránh ung thư vú: Xây dựng chế độ ăn hợp lý, ít chất béo động vật, hạn chế thực phẩm lên men như dưa khú, mắm tôm, cá muối, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi; không ăn thực phẩm mốc, có phun thuốc trừ sâu; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; hạn chế dùng thuốc nội tiết tố nữ thay thế kéo dài ở thời kỳ mãn kinh".

Theo Đời sống
back to top