Ảnh minh họa
Nghe điện thoại, nằm ngủ sai: Những tư thế có hại có thể được hóa giải từ từ trong ngày ta thấy hết đau nhưng không chỉnh sửa sẽ có hại và có thể dẫn tới bệnh LNTDH. Những tư thế nghề nghệp có hại (nhạc sĩ violon, người trực tổng đài……) sẽ được hóa giải khi bệnh nhân ngủ. Đặc biệt, khi ngủ nếu nằm sấp thì bắt buộc phải quay đầu sang một bên để thở, tì ép lên một bên hàm dưới, đẩy một bên hàm ra trước, làm chèn ép lên tổ chức sau đĩa khớp bên đối diện, dẫn đến co thắt phản xạ của cơ chân bướm ngoài và bị bệnh.
Đụng dập khớp: Khoảng 20% bệnh nhân có LNTDH có tiền sử chấn thương đụng dập ở khớp thái dương hàm. Những cú gập cổ đột ngột, gãy vùng lồi cầu, há miệng thụ động quá mức (khi gây mê đặt nội khí quản) hay gãy xương hàm mặt làm thay đổi khớp cắn. Hoặc đụng đập khớp thái dương hàm gây bệnh do làm tổn thương tổ chức sau đĩa khớp, dây chằng đĩa khớp hay chính đĩa khớp…
Gập cổ đột ngột: Chấn thương cột sống cổ do những cú gập cổ đột ngột có thể dẫn đến LNTDH. Nếu sốc từ phía sau thì đầu tiên đầu ngửa ra sau làm cho miệng há to đột ngột (do quán tính của hàm dưới), kéo giãn tổ chức khớp. Ở thì tiếp theo thì đầu gập về phía trước, miệng ngậm lại đột ngột (do đầu bị gập về phía trước, hay do hàm dưới bị ngực chặn lại, hay do hàm dưới bị chặn lại bởi volant xe….) làm cho lồi cầu nén lên tổ chức sau đĩa khớp.
Nếu sang chấn từ trước thì lồi cầu nén lên tổ chức sau đĩa khớp trước, rồi sau đó tổ chức khớp mới bị kéo giãn. Như vậy, khi bị gập cổ đột ngột thì chấn thương cột sống thường kèm với tổn thương khớp thái dương hàm. Tổn thương này thường xuất hiện muộn, khoảng 4 tháng sau chấn thương. Nó đôi khi bị nhầm với chấn thương cột sống cổ.
Há miệng thụ động quá mức: Khi banh miệng để đặt nội khí quản trong 1 thời gian ngắn thì thường ít gây sang chấn. Ngược lại khi banh miệng kéo dài (cắt Amydale, mổ hàm ếch, nhổ răng …..) thì thường gây sang chấn khớp. Vì vậy, nên đo độ há miệng trước khi mổ. Và khi mổ thì không nên banh miệng quá giới hạn này.
PGS.TS Phạm Như Hải (Bệnh viện Việt Nam – Cu ba)