<p>Nhiều người coi thời gian ngủ như tài khoản ngân hàng: rút được một giờ vào đầu tuần rồi thêm một giờ vào cuối tuần để cân bằng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cathy Goldstein, Phó giáo sư Thần kinh học tại Trung tâm Rối loạn giấc ngủ Đại học Michigan (Mỹ), con người cần bốn ngày liên tiếp ngủ đủ để bù cho một giờ thiếu ngủ. Nếu không, món nợ giấc ngủ sẽ tiếp tục tích lũy theo thời gian.</p> <p>Thỉnh thoảng thức đêm hoặc dậy sớm không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng bà Goldstein khẳng định thiếu ngủ liên tục không chỉ dẫn đến mệt mỏi, giảm năng suất lao động, học tập, hoạt động thể chất, mà còn phá vỡ đồng hồ sinh học.</p> <div> <div><img alt="Ảnh: ThoughtCo." data-original="https://khds.1cdn.vn/2019/03/10/photo-0-15521453364081812816656.png" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/10/photo-0-15521453364081812816656.png" /></div> <div>Ảnh: <i>ThoughtCo.</i></div> </div> <p>Thông thường, cơ thể sản sinh hormone melatonin khoảng 9h tối và duy trì ở mức cao trước khi giảm dần vào buổi sáng. Đồng hồ sinh học sẽ hoạt động ổn định nếu bạn có thể ngủ và thức dậy đúng giờ.</p> <p>Thay đổi nhỏ trong đồng hồ sinh học cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo <i>Time</i>, hiện tượng này được ghi nhận ở người làm ca đêm với nguy cơ mắc ung thư, giảm nhận thức, thậm chí chết trẻ. Hơn nữa, một nghiên cứu khác ước tính tác động của một giờ thiếu ngủ tương đương ăn thêm 200 calo vào ngày hôm sau.</p> <p>Nếu cảm thấy mệt mỏi do ngủ không đủ, bà Goldsetin khuyến cáo nên ngủ ngắn vào ban ngày do vào lúc này, ánh sáng đóng vai trò quan trọng để giữ cho đồng hồ sinh học hoạt động ổn định. Các nghiên cứu trước kết luận ngủ trưa tăng khả năng tập trung cũng như thúc đẩy sự sáng tạo ở não. Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ đưa ra khoảng thời gian lý tưởng để ngủ trưa là 20 phút.</p>