Đi bộ cải thiện sức khỏe
Bà Liên trước đây công tác tại Bộ Thương mại, vợ chồng bà sống cùng con gái, sau con gái sinh cháu, bà giúp con chăm sóc cháu lớn rồi con gái dọn ra ở riêng. Hiện nay vợ chồng bà sống với nhau, cảnh già không có việc gì thì buồn, ngồi một chỗ cơ thể càng ì trệ nên bà quyết định tìm cho mình và cho chồng những môn thể thao phù hợp.
Chồng bà được giới thiệu môn đi bộ dưỡng sinh là mê ngay. Buổi sáng hay chiều ông thường ra nhập hội các cụ đi bộ dưỡng sinh nâng cao sức khỏe. Theo bà, đi bộ thì ai cũng đi được, người đi bộ dễ dàng tăng hoặc giảm cấp độ để phù hợp với mục tiêu cá nhân. Khỏe thì đi bộ nhiều, yếu thì đi ít.
Trong lúc đi có thể thay đổi tốc độ hoặc cường độ, đi bộ lên dốc để thử thách con tim. Quá trình đi bộ có thể giao lưu với các cụ để giảm trầm cảm, giải tỏa buồn bực trong lòng. Từ lúc đi bộ, bà và chồng đều cảm thấy khỏe khoắn, thư giãn rất nhiều. Tuy nhiên, bà Liên còn đam mê khác mà hồi trẻ chưa thực hiện được, đó là khiêu vũ.
Ước mơ được thực hiện
“Năm hơn 40 tuổi tình cờ tôi biết đến môn khiêu vũ thể thao nhưng lúc ấy đang làm ở Bộ Thương mại, công việc rất nhiều, về nhà còn con cái nên khó tập. Sau khi nghỉ hưu tôi vẫn còn phải trông cháu và đam mê phải để sang một bên. Khi con ra ở riêng, tôi đến tìm hiểu các câu lạc bộ khiêu vũ ngay để tham gia. Tôi có bệnh bướu cổ, đi khám nhiều lần nhưng bác sĩ nói chưa phải mổ. Bệnh làm tôi khó thở, vác gì nặng một lúc thì thở càng khó. Từ khi học khiêu vũ, âm nhạc làm tôi quên bệnh tật, tập nhiều thở càng dễ. Sau này tôi còn học thêm môn thiền để vận chuyển hơi thở, khí huyết trong cơ thể, nhờ vậy 5 năm nay khám đi khám lại nhiều lần mà tôi không phải phẫu thuật”- bà Liên tâm sự.
Mỗi buổi sáng bà Liên thức dậy lúc 5 giờ để ngồi thiền. Theo bà, người Ấn Độ và Ai Cập cổ đại đã phát hiện trên cơ thể người có hàng ngàn những điểm mà khi châm kim vào có thể chữa được hầu hết các bệnh. Ngoài những kỳ huyệt và huyệt đặc biệt thì có khoảng 365 huyệt, nằm rải đều trên 12 đường kinh và 2 mạch lớn của cơ thể là mạch Nhâm và mạch Đốc, tạo ra một cấu trúc vận hành lưu thông khí huyết vô cùng tinh vi trong cơ thể. Khi các kinh mạch này lưu thông đều đặn, liên tục thì mọi bộ phận trong cơ thể tràn đầy sinh khí và người ta được khỏe mạnh, sống vui vẻ cân bằng.
Sau khi khai mở các luân xa thì hệ thống kinh mạch bị ách tắc của cơ thể được khai thông, dinh dưỡng lại được cung cấp đầy đủ tới các cơ quan bị tổn thương, dần dần tạo lập lại sự quân bình cho toàn bộ cơ thể. Sau khi ngồi thiền, bà Liên tới câu lạc bộ khiêu vũ để tham gia khiêu vũ từ 1-2 tiếng. Âm nhạc hòa trộn với sự vận động để giải phóng các khớp xương đau nhức.
Từ khi tập khiêu vũ, bà không còn bị đau xương nhức cốt mỗi khi trở trời. Nếu như hồi đi làm, mỗi lần đau chân, bà phải đi cà nhắc nhưng từ khi nghỉ hưu, dáng đi của bà thẳng thắn, chân tay linh hoạt, mắt tinh hơn, không phải đeo kính.
Nếu không phải kiểm tra bướu cổ thường xuyên thì bà Liên đã không phải đến viện vì bà không có bệnh tật gì. ở tuổi bà, nhiều người phải dùng thuốc huyết áp, tiểu đường thường xuyên nhưng các chỉ số của bà rất tốt, không phải nhờ đến thuốc. Kể về chế độ ăn uống, bà nói: “Ngày nào tôi cũng duy trì ăn đủ 3 bữa.
Sáng ăn no, trưa ăn bình thường, tối ăn giảm. Tôi ăn nhiều rau, hạn chế mỡ nhưng không kiêng hoàn toàn. Thèm cá tôi ăn cá, thèm tôm tôi ăn tôm, đặc biệt tôi không thèm thịt, có thì ăn, không cũng không sao. Chắc do tập tành nhiều mà bữa nào tôi ăn cũng ngon miệng. Giấc ngủ cũng tốt. Buổi tối tôi còn dành ra 1 tiếng đồng hồ tập yoga. Tập xong tôi ngủ rất sâu cho tới 5 giờ sáng. Hôm nào ươn người thì tôi nằm đọc tiểu thuyết cho đến khi buồn ngủ thì thôi”.
Nhờ sống thanh đạm, năng luyện tập mà bà Liên luôn thấy cơ thể nhẹ nhõm, không ngại khi phải đi đây đi đó nhiều, không ngại khi phải làm việc nhà, lúc nào bà cũng đầy ắp năng lượng. Trông dáng bà thấp, nhỏ nhắn, mấy ai nghĩ bà không phải dùng viên thuốc nào. Từ lúc về hưu, trời thương cho bà sức khỏe- như bà vẫn nói nhưng thực chất, sức khỏe không tự có nếu ta không chăm chỉ luyện tập, kiêng khem. Lúc chưa nghỉ hưu bà Liên nghĩ cuộc sống rồi đây sẽ luôn ốm đau, buồn bã nhưng trái lại, giờ mới là lúc bà được hưởng ngọt lành nhiều nhất.