Ngôi tự viện mang dấu ấn văn hóa Đại Việt

Vào tháng 12/2020, ngôi chùa thuần Việt và do chính người Việt tạo nên - Tu viện Vĩnh Nghiêm - khánh thành. Ngôi chùa mang nét kiến trúc truyền thống của đồng bằng sông Hồng, vừa uy nghi vừa tinh tế.

Ngôi chùa đậm nét kiến trúc đồng bằng sông Hồng

Hơn ngàn năm trước, Tổ đình Vĩnh Nghiêm được xây dựng tại tỉnh Bắc Giang và sau đó trở thành trung tâm hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm vào Thế kỷ 13.

toan-canh-phat-dien.jpg
Tu viện được mô phỏng theo mô hình của một ngôi già lam tiêu biểu của Phật giáo mang đậm nét kiến trúc đồng bằng sông Hồng. 

Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM) được xây dựng. Từ đó, các ngôi chùa Vĩnh Nghiêm khác trong nước cũng như nước ngoài dần dần được hình thành.

Tu viện Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại phường Hiệp Thành, quận 12 (TPHCM), được cố Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973) khai sơ vào năm 1971 với mục đích làm tu viện và nghĩa trang Vĩnh Nghiêm.

Kế tiếp đèn Thiền, thực hiện di nguyện của Thầy Tổ, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì đời thứ ba của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, lại tiếp tục hoàn thiện các thủ tục xây dựng cho đến năm 2009 được cấp giấy phép. Thầy Giác Dũng được Tổ đình giao trách nhiệm trông coi việc xây dựng Tu viện.

tu-vien-vinh-nghiem-1(1).jpg
Hình ảnh “phi thiên” trong công trình Tu viện Vĩnh Nghiêm...
ao-tu-than(1).jpg
... được chạm trổ theo khuôn mặt Việt Nam và mặc áo tứ thân.

Tu viện Vĩnh Nghiêm (quận 12, TPHCM) được khánh thành vào ngày 20/10/Canh Tý (4/12/2020) - ngày viên tịch của Hòa thượng Thích Tâm Giác, khai sơn chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3).

Tu viện Vĩnh Nghiêm cũng là cơ sở 3 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, với diện tích khoảng 17.000m2. Tu viện được mô phỏng theo mô hình của một ngôi già lam tiêu biểu của Phật giáo: Phật điện (chánh điện), Tổ đường, tháp chuông, tháp Quan Âm, trai đường, giảng đường, Đông đường, Tây đường, tam quan...

nhung-net-tram-cho.jpg
Mái đao cong vút, nhẹ nhàng uyển chuyển; cửa bức bàn điêu khắc tứ linh... 
mai-dinh.jpg
... lan can đá của gam màu xanh hoài cổ... 
canh-dem.jpg
Những hoa văn chạm trổ trong tu viện đậm nét truyền thống.

Nơi đây không chỉ là ngôi chùa tâm linh mà còn là công trình văn hóa hết sức tinh tế. Thượng tọa Thích Giác Dũng, Tu viện trưởng Tu viện Vĩnh Nghiêm chia sẻ, những hoa văn chạm trổ trong tu viện đậm nét truyền thống.

Các công trình bằng gỗ được thiết kế theo kiến trúc cổ đồng bằng Bắc bộ: Mái đao cong vút, nhẹ nhàng uyển chuyển; lan can đá của gam màu xanh hoài cổ; cửa bức bàn điêu khắc tứ linh; Phật tượng uy nghiêm thoát tục...

cac-tuong-phat.jpg
Phật tượng uy nghiêm...

Hình ảnh “phi thiên” vốn phổ biến ở nhiều di tích dọc con đường tơ lụa, mang dấu ấn văn hóa Trung - Ấn, nhưng trong công trình Tu viện Vĩnh Nghiêm lại được chạm trổ theo khuôn mặt Việt Nam và mặc áo tứ thân.

Những câu đối, hoành phi thuần Việt

Với mong muốn “văn dĩ tải đạo”, chữ Việt được lựa chọn để tạo nên những bức hoành phi, câu đối. Bởi hiện nay, tiếng Việt là ngôn ngữ chính của dân tộc và người hiểu chữ Hán giờ còn mấy ai hiểu được.

Hoành phi, câu đối ngoài việc trang trí còn để chuyển tải nội dung Phật pháp. Phật tử tới chùa đọc hiểu câu kinh, lời hay ý đẹp, mới có ích trong việc tu tâm dưỡng tính.

an-ki-no-lau.png
Lời hay ý đẹp trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt.
chi-tiet-cham-khac-tren-canh-cua.png
Những họa tiết truyền thống như mai, lan, cúc, trúc; long, ly, quy, phụng… được chạm trổ mang theo văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
cuoc-song-doi-thuc-trong-tu-vien.jpg
Nếp sinh hoạt con gà, trái mướp trong dân gian... có ích trong việc tu tâm dưỡng tính.

Vì vậy, trong Phật điện và khắp ngôi chùa, người đến viếng chùa có thể đọc được những câu đối, chữ bằng tiếng Việt, đặc biệt là những lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hơn 700 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đã tiên phong trong việc sử dụng chữ Nôm thông qua tác phẩm Cư trần lạc đạo phú. Những câu văn biền ngẫu của Ngài thật hay, đối rất chỉnh.

hoanh-phi.jpg
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương; Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.” của Sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông.

“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương; Di Đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”. Đây là hai câu phú trong bài Cư trần lạc đạo phú của Sư tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, vị sáng tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền mang đậm đà bản sắc Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành nghề dựng nhà gỗ và chạm trổ hoa văn có lẽ sẽ thất truyền trong một thời gian ngắn nữa vì nguyên vật liệu không còn và con người cũng không còn theo đuổi truyền thừa.

phat-dien-1.jpg

Do đó, Tu viện Vĩnh Nghiêm đã cố gắng tối đa thực hiện các công trình gỗ thật chu đáo và tỉ mỉ. Những họa tiết truyền thống như mai, lan, cúc, trúc; long, ly, quy, phụng… được chạm trổ mang theo văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Ngay cả tượng pháp, các sư thầy của tu viện Vĩnh Nghiêm cũng cho đục đẽo, chạm khắc tại Việt Nam.

dang-hoa.jpg
Nhiều năm sau đó nữa, những người dân Việt sẽ tự hào về công trình văn hóa Phật giáo mang tâm hồn Việt.

Thầy Giác Dũng chia sẻ, các bức tượng cũng được chế tác trong nước bởi bàn tay người thợ Việt. Nhiều năm sau đó nữa, những người dân Việt sẽ tự hào về công trình văn hóa Phật giáo mang tâm hồn Việt.

Sớm chiều hai buổi, lời kinh ngân vang cùng nhịp chuông mõ, những lời kinh khấn nguyện mưa thuận gió hòa, tật bệnh tiêu trừ, quốc thái dân an, người người an lạc.

Theo Đời sống
back to top