Ngồi nhiều dễ mắc trĩ

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh trĩ ở cấp độ nặng, người bệnh có thể chảy máu rất nhiều khi đại tiện, ra máu thường xuyên. Cơ thể bị mất máu, mệt mỏi. Nhiều trường hợp búi trĩ bị viêm có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, búi trĩ bị viêm loét, hoại tử, rò rỉ hậu môn không kiểm soát ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự tự tin trong giao tiếp hằng ngày.

Mùa hè, anh Lê Anh Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên tục táo bón. Phần vì anh ngồi điều hòa mát mẻ nên lười uống nước, phần vì công việc bận rộn, mải làm, anh ngồi tịt ở văn phòng từ sáng tới chiều, có hôm nắng quá anh ngồi làm cố, tối muộn mới về nên không có thời gian tập thể dục. Cũng vì thế mà căn bệnh trĩ của anh phát triển. Lúc đầu trĩ ít, sau táo nhiều, rặn nhiều quá, cục trĩ lòi ra anh mới đi khám.

Lời bàn: BSCKII Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh trĩ ở cấp độ nặng, người bệnh có thể chảy máu rất nhiều khi đại tiện, ra máu thường xuyên. Cơ thể bị mất máu, mệt mỏi. Nhiều trường hợp búi trĩ bị viêm có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, búi trĩ bị viêm loét, hoại tử, rò rỉ hậu môn... Bệnh trĩ ở mức độ nhẹ như độ 1, độ 2 bác sĩ thường kê đơn điều trị nội khoa và hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày thì sẽ ổn định. Còn đối với trĩ độ 3, 4 trở lên khi búi trĩ sa lồi hoặc có biểu hiện đại tiện ra máu, đau rát hậu môn thì người bệnh đã mắc trĩ nặng phải tiến hành phẫu thuật cắt trĩ. Mặc dù y học phát triển, có nhiều phương pháp cắt trĩ được áp dụng, nhưng những người làm việc trong môi trường tĩnh tại nên tập thói quen uống đủ nước, uống cả khi không khát để tránh táo bón. Nên sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tập thể thao hợp lý để không những phòng tránh bệnh trĩ mà còn nâng cao sức khỏe.

Theo Đời sống
back to top