Thói quen không tốt gây thoái hóa
BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, thoái hóa đốt sống cổ được chẩn đoán chính xác thông qua kết quả chụp chiếu hệ thống xương cột sống. Ngoài ra, có thể tự phát hiện bệnh thông qua biểu hiện đau vùng sau cổ, mỏi cổ, mỏi bả vai, cánh tay, đau cánh tay, buốt đến bàn tay, tê tay khi nằm ngủ, đi xe, đau cổ khiến khó lên xuống cầu thang, luôn cảm thấy đau đỉnh đầu và tức hốc mắt...
Khi nói hai từ “thoái hóa” ta vẫn nghĩ người già mới gặp hiện tượng này nhưng thực tế, cả người trẻ làm việc trong văn phòng, ít vận động hoặc phải cúi nhiều, phải sử dụng nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ rất hay bị. Nghiên cứu trên nhiều người bệnh bị thoái hóa đốt sống cổ nhận thấy, những nhân viên văn phòng ngồi máy tính nhiều, ít vận động là một trong những đối tượng hay mắc thoái hóa đốt sống cổ, vôi hóa cột sống. Việc không thay đổi tư thế góp phần làm các khớp xương cứng thêm, không còn dẻo dai, lâu dần sẽ thấy hiện tượng cứng cổ, khó xoay đầu.
Trước đây, do công việc của nhiều nhân viên phải di chuyển nên việc dùng máy tính ưu tiên hàng đầu là màn hình nhỏ gọn. Những nhân viên dùng máy tính này một thời gian tự nhiên thấy cổ cứng, đau. Nguyên nhân là máy tính màn hình nhỏ chỉ nên dùng khi phải di chuyển nhiều, nếu dùng cố định lâu dài, các cơ ở cổ phải căng giúp nhìn thuận lợi, gây bất lợi cho đôi mắt và cho cả hệ thống xương cổ.
Theo các chuyên gia, khi dùng máy tính nên chọn loại màn hình lớn, nếu sử dụng màn hình nhỏ thì nên phóng to chữ để cơ cổ không phải căng nhiều. Để chấn đoán chính xác nhất thoái hóa đốt sống cổ người ta phải chụp X-quang. Nếu thấy hình ảnh hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương (mỏ xương) thì bệnh nhân đã bị thoái hóa.
Càng thoái hóa máu càng kém lên não
Thoái hóa đốt sống cổ gây nhiều bất lợi cho người bệnh trong quá trình cử động quay trước, sau, cúi, ngửa. ở những người bị thoái hóa lâu năm, chỉ cần quay cổ mạnh, đột ngột, bẻ mạnh cổ về phía sau có thể gây ra những chấn thương. Ngoài những đau đớn cơ học, bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ còn hay có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, đau cả khi không làm việc căng thẳng, khi nghỉ ngơi thư dãn.
Theo BS Hoàng Khánh Toàn, thoái hóa cột sống cổ khiến xương vùng cổ bị sùi, gai xương mọc ra chèn ép lên các tổ chức xung quanh, chèn ép động mạch đốt sống thân nền làm hẹp động mạch đốt sống thân nền, quá trình này diễn ra lâu dài khiến máu kém lên não, gây ra căn bệnh thiếu máu não. Bởi vậy thiếu máu não dạng này không chỉ người cao tuổi mới mắc mà cả người trẻ tuổi cũng mắc rất nhiều.
Biện pháp xử lý sùi, gai xương
Khi xương bị thoái hóa, sùi, mọc nhiều gai thì phải dùng thuốc và thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu, mát xa, chườm nóng vùng cổ để mạch máu dãn nở, giúp máu lưu thông lên não mạnh hơn. Mỗi buổi sáng và tối có thể tập thể dục, chú trọng các động tác nghiêng cổ sang trái, sang phải, quay cổ từ phải sang trái, từ trái sang phải giúp cổ bớt cứng. Với người bệnh thoái hóa đốt sổng cổ kèm theo đau đầu, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt- biểu hiện của thiếu máu não thì phải kết hợp dùng thuốc để phòng tránh đột quỵ.
Theo các chuyên gia, tốt nhất khi thoái hóa đốt sống cổ nhẹ, người bệnh nên nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hay tập luyện nhẹ nhàng cho vùng cổ đúng phương pháp. Có thể sử dụng đai bảo vệ cổ một thời gian để hạn chế chuyển động xấu của vùng cổ và giữ tư thế sinh lý đầu cổ. Đối với người lao động chân tay, không nên khiêng, vác, đặc biệt là đội vật nặng trên đầu.
Đối với nhân viên văn phòng, nên ngồi sao cho khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính là khoảng 50 – 66cm, không nên để màn hình ở vị trí quá cao hoặc quá thấp hơn so với tầm mắt. Khi ngồi làm việc nên giữ thẳng lưng và hai vai giữ ngang bằng. Sau từ 30 - 60 phút làm việc nên đứng dậy đi lại, dùng tay matxa nhẹ vùng cổ cho thư giãn.