<div> <div> <p>Viết trên Twitter ngày 28-6, Ngoại trưởng Pompeo hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên <span>biển Đông</span> theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.</p> <p>Bên dưới đoạn chia sẻ trên Twitter, ông Pompeo dẫn lại Tuyên bố "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26-6. Ông Pompeo cho biết Mỹ "sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này" nhưng không nêu chi tiết.</p> <p>Phát biểu được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra sau khi lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đất, các diễn biến, hoạt động và sự việc nghiêm trọng gần đây ở biển Đông, vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy giảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực</p> <p>Lãnh đạo ASEAN nhất trí tiếp tục thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, thực hiện tốt những thỏa thuận, cam kết quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, trong đó có UNCLOS năm 1982.</p> <p>ASEAN tái khẳng định UNCLOS là cơ sở để xác định các thực thể trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển. UNCLOS cũng tạo ra khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.</p> <div> <div><img alt="Ngoại trưởng Mỹ: Biển Đông không phải “đế chế hàng hải” của Trung Quốc - Ảnh 1." data-original="https://nld.mediacdn.vn/2020/6/28/photo-1-1593329382348794061704.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/28/nld-mediacdn-vn_photo-1-1593329382348794061704.jpg" title="Ngoại trưởng Mỹ: Biển Đông không phải “đế chế hàng hải” của Trung Quốc - Ảnh 1." /></div> <div> <p data-placeholder="[nhập chú thích]">Ba tàu USS America, USS Barry và USS Bunker HIll (Mỹ) diễn tập chung với tàu HMAS Parramatta (Úc) ở biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: Reuters</p> </div> </div> <p>ASEAN cũng kêu gọi các bên cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, để biển Đông luôn luôn là một vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi.</p> <p>Tuyên bố Chủ tịch ASEAN được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc từ đầu năm có nhiều hoạt động khiêu khích trên biển Đông, khi các nước trên thế giới dồn lực chống dịch Covid-19.</p> <p>Trước đó, ngày 2-6, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ đã gửi công thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông và coi chúng "bất hợp pháp và nguy hiểm". Mỹ yêu cầu Liên Hiệp Quốc gửi công thư này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng trên trang web của văn phòng pháp chế.</p> <p> </p> </div> <div> <div> <p> </p> </div> </div> </div> <p> </p>