Ngộ độc vì ăn trứng cá sấu hỏa tiễn

(khoahocdoisong.vn) - Trứng cá sấu hỏa tiễn chứa chất độc Ichthyotoxin gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… nên không dùng làm thực phẩm.

Nôn, đau bụng vì ăn trứng cá sấu hỏa tiễn

Trung tâm Chống độc và Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 5 bà cháu bị ngộ độc trứng cá sấu hoả tiễn, vào viện trong tình trạng trạng “miệng nôn trôn tháo”. Bà H. cho biết, sáng 21/3, gia đình sang nhà người quen có trang trại nuôi cá ở Mê Linh, Hà Nội và được chiêu đãi món thịt cá sấu hỏa tiễn. Con cá dài khoảng 1,5m, nặng 20kg. Đến chiều, gia đình có mang theo trứng cá sấu về ăn bữa tối. Sau khi ăn khoảng 90 phút, các cháu và bà H. bắt đầu xuất hiện nôn, đau bụng và đi ngoài… Bà H. vội lên mạng tìm hiểu, biết trứng cá sấu hỏa tiễn có độc, nguy hiểm nên cả gia đình đã lập tức đến Bệnh viện Bạch Mai.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thịt cá sấu hỏa tiễn không có độc nhưng phần thịt quanh trứng chứa chất độc Ichthyotoxin. Đây là một chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), hệ thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp). Trên thế giới mới ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc loại độc này. Tuy nhiên tại Bệnh viện Bạch Mai, trước đây đã từng ghi nhận 1 bệnh nhân tương tự. 

TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá sấu hỏa tiễn là loài cá nước ngọt có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở ao, hồ vùng Bắc Mỹ, tên khoa học là Lepisosteus Oculatus Winchell thuộc bộ Lepisosteiformes (bộ cá mõm dài). Cá có có hình thù kỳ quái như có vẩy rắn, đầu cá sấu, thân hình trơn như cá lóc. Vì có hình thái đặc biệt, nên chúng thường được dân nuôi cá cảnh Việt Nam săn lùng để nuôi trong các bể cá làm cảnh và đặt cho những cái tên khác như: cá Phúc Lộc Thọ, cá sao hỏa tiễn, cá nhái đốm… Dù nuôi trong môi trường chật hẹp, cá sấu hỏa tiễn vẫn có thể đạt chiều dài 1m và đạt trọng lượng hàng chục kg trong vài năm. Đặc biệt, trong quá trình nuôi nhốt, một số người đã phóng sinh, thả cá ra sông, hồ. Ở môi trường tự nhiên, do tính phàm ăn và hung dữ nên loài cá này phát triển nhanh. Và với thân hình tròn lẳn, mõm nhọn và dài, chúng chiếm hết thức ăn trong hệ sinh thái. Sinh vật và hệ sinh thái khu vực cá sâu hỏa tiễn sinh sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Động vật ăn phải cũng gây độc

TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, người dân khi bắt được loài cá này có thể làm thực phẩm hoặc nuôi làm cảnh, không nên thả trở lại tự nhiên tránh gây nguy hại cho loài cá bản địa cũng như đe dọa môi trường và làm ảnh hưởng đa dạng sinh học. Bởi loài cá này chủ yếu ăn thịt, ăn thủy cầm và ăn luôn cả những con cá sấu khác. Nơi nào có sấu hỏa tiễn sinh sống, nơi ấy các loài thủy sinh khác sẽ bị tận diệt. Động vật nào ăn phải trứng sấu hỏa tiễn cũng sẽ bị ngộ độc và chết trong thời gian ngắn.

Cá sấu hỏa tiễn là một loài sinh vật dưới nước rất nguy hiểm nhưng chưa có tài liệu nào cho thấy sấu hỏa tiễn tấn công trực tiếp con người. Tuy nhiên, sự ăn tạp của nó không khác gì loài cá Piranha (cá răng đao hay "cá cọp") xuất xứ từ miền Tây Nam Brazil. Trách nhiệm trong quản lý sinh vật ngoại không chỉ là của cơ quan nhà nước mà còn nằm ở chính người dân. Người dân phải ý thức, hiểu được cặn kẽ, thay vì chỉ nhìn thấy mặt khía cạnh giải trí mà quên mặt tiêu cực của loài sinh vật đó.

TS Phạm Trọng Ảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá sấu nói chung là động vật ăn thịt, nên cần cảnh giác bị chúng tấn công. Việc ăn thịt cá sấu hỏa tiễn về cơ bản không độc, nhưng cũng không khuyến khích dùng làm thực phẩm do những tác hại cho môi trường. Cần phải cảnh giác với những cá thể cá sấu có những biểu hiện bất thường do thay đổi  môi trường sống đột ngột. Trẻ em không được lại gần cá sấu hoặc khu vực có cá sấu. Vì có khả năng, cá sấu sẽ nhầm tưởng trẻ là thức ăn. Hoặc trường hợp thấy cá sấu há miệng, trẻ sẽ sợ hãi mà ngã vào miệng chúng.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top