Nghiên cứu ở bậc đại học càng sớm càng tốt: Vì sao và Như thế nào?

Không nhất thiết phải là các đề tài to tát được thực hiện trong các phòng thí nghiệm tối tân, việc nghiên cứu của sinh viên cần thực hiện càng sớm càng tốt, bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, quan sát, hay thử nghiệm một cách tiếp cận mới cho một vấn đề phức tạp… Đó là cách để sinh viên VinUni được truyền cảm hứng nghiên cứu và biến nghiên cứu khoa học thành một phần hiển nhiên trong giáo dục đại học với mỗi sinh viên.
vinuni.jpg
Sinh viên VinUni được tạo cơ hội nghiên cứu KHCN ngay từ năm nhất đại học.

Tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên được các giáo sư hàng đầu Việt Nam và thế giới nêu lên tại Hội nghị quốc tế thường niên “Đổi mới dạy và học” lần thứ Nhất do VinUni khởi xướng tổ chức mới đây.

Nghiên cứu đào tạo sinh viên thành những con người biết tư duy độc lập

GS Sanjay Sarma, Phó Chủ tịch Trung tâm học tập mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, thời đại dạy sinh viên chỉ bằng thuyết trình đã không phù hợp nữa. Có rất nhiều cách dạy học tích cực thay thế sự áp đặt bằng cách truyền cảm hứng, khơi dậy sự tò mò, muốn khám phá cho sinh viên. Nghiên cứu là con đường để đào tạo sinh viên trở thành những người có khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo.

Nói riêng về truyền cảm hứng trong nghiên cứu, GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni cho rằng đang có hiện tượng nghiên cứu khoa học chỉ nhằm mục đích có một tấm bằng đẹp. Điều đó rất hình thức và khi đạt được mục tiêu, họ sẽ bỏ nghiên cứu. Trong khi đó nghiên cứu chỉ hiệu quả khi người học có sự thôi thúc khám phá để chiếm lĩnh kiến thức và tìm thấy ý nghĩa, sự say mê ở đó.

GS Wray Buntine gợi mở một cách tạo động lực cho sinh viên mà hính ông đang “thực hành” tại VinUni: Để cho sinh viên trải nghiệm trước. Phải làm sao để sinh viên phát sinh nhiều câu hỏi trong đầu, mong muốn được hỏi, được khám phá và sẵn sàng phản biện lại thầy của mình, đưa ra quan điểm hoàn toàn khác.

vinuni-1.jpg
Sinh viên VinUni tham gia dự án nghiên cứu về Giám sát dịch tễ nước thải ở Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois.

Nghiên cứu giúp sinh viên rèn luyện tính kiên trì và lòng can đảm

GS Maurizio Trevisan, Trưởng khoa, Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni cũng chỉ ra những giá trị của nghiên cứu là dạy cho sinh viên biết đọc, biết phân tích dữ liệu, biết kiên nhẫn và can đảm vượt qua thất bại. Quá trình sinh viên học hỏi lẫn nhau và học từ chính công việc mình trực tiếp thực hiện hình thành kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm.

“Một giảng viên lên lớp với bài thuyết trình rất đơn giản. Nhưng sẽ không hiệu quả so với việc đưa sinh viên đến một phòng LAB, để cho sinh viên tự do quan sát, khám phá. Sau đó người thầy có thể hỏi sinh viên xem các bạn ấy thấy có gì thú vị không? Có gì thắc mắc không? Điều gì các em muốn làm và có thể làm được. Câu hỏi đúng hay sai không quá quan trọng. Điều quan trọng là người học đã bắt đầu tư duy về một điều gì đó mà mình tìm thấy qua sự trải nghiệm”, GS Maurizio Trevisan trao đổi.

Nghiên cứu thế nào?

Đồng tình với ý kiến của các giáo sư quốc tế nhưng có đại biểu nêu ra băn khoăn về việc một cơ sở phải mạnh về nghiên cứu đỉnh cao thì mới đủ điều kiện định hướng, dẫn dắt sinh viên. Và nên chăng, yếu tố nghiên cứu chỉ nên đặt ra ở đào tạo sau đại học?

vinuni-2.jpg
Tọa đàm thảo luận về chủ đề lồng ghép nghiên cứu trong giảng dạy có sự tham gia của TS. Jay Siegel - Chủ tịch, Ban Cố vấn Quốc tế SPST, Đại học Thiên Tân; GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni; BS Zarrin Siddiqui, Giám đốc Chương trình Bác sĩ Y khoa VinUni và GS Maurizio Trevisan, Trưởng khoa, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni (từ trái qua).

Nói về điều này, GS Maurizio Trevisan, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni cho rằng, cần hiểu vấn đề nghiên cứu là một phần của môn học, một phương pháp để người học đạt được mục tiêu giáo dục chứ không phải cứ nghiên cứu là làm ra một sản phẩm nghiên cứu, thành tựu khoa học nào đó.

Với cách hiểu đó, GS Maurizio Trevisan cho rằng việc đưa nghiên cứu vào quá trình dạy học hoàn toàn có thể áp dụng ngay với học sinh tiểu học, THCS theo các mức độ đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Ở mỗi bậc học, cách dạy học bằng tổ chức hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu sẽ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực, kỹ năng nào đó. “Khi đứa trẻ lớn lên, trở thành sinh viên sẽ có một nền tảng cần thiết để có thể tham gia những nghiên cứu cao hơn, sâu hơn. Đó phải là một dòng chảy liên tục”, GS Maurizio Trevisan chia sẻ.

GS Wray Buntine lưu ý trong định hướng nghiên cứu cho sinh viên, không nên áp đặt mà cần gợi mở để sinh viên suy nghĩ xem họ quan tâm tới điều gì, muốn tìm hiểu việc gì. Việc nghiên cứu có thể là nhiệm vụ giảng viên giao cho sinh viên trong quá trình học tập, không cần những đề tài, dự án to tát. Ví như yêu cầu sinh viên đi khảo sát thực tế, quan sát một vấn đề nào đó để viết báo cáo phân tích đánh giá.

Về vấn đề này, TS Jay Siegel Chủ tịch, Ban Cố vấn Quốc tế SPST, Đại học Thiên Tân, Thành viên cấp cao của Collegium Helveticum - ETH Zurich cũng khẳng định quan điểm “không đặt mục tiêu một năm sinh viên có bài báo nào công bố không mà quan trọng là quá trình nghiên cứu đó, giúp sinh viên có được kỹ năng gì”.

“Cộng đồng học thuật là nơi tôi luyện tốt nhất”

Việc đưa nghiên cứu vào giảng dạy có thể là một vấn đề khó đối với nhiều giảng viên, vì những người có bằng cấp, đã từng làm nghiên cứu nhưng có thể chưa bao giờ học cách sử dụng nghiên cứu trong giảng dạy, hoặc cũng có thể chưa học những điều căn bản trong giảng dạy. Vì vậy tôi nghĩ rằng một cộng đồng học thuật sẽ là nơi luyện tập tốt nhất. Người dạy nên học hỏi từ các giảng viên thâm niên hơn, để bàn luận về những cách thức giảng dạy tốt nhất. Đồng thời, cần tạo áp lực lên đội ngũ quản lý để thành lập những nhóm giảng dạy, cộng đồng giảng dạy, để việc dạy học không còn chỉ là trách nhiệm của 1 lớp học hay 1 giáo sư, mà còn là trách nhiệm của chương trình học và cộng đồng các giảng viên.

TS Jay Siegel, Chủ tịch, Ban Cố vấn Quốc tế SPST, Đại học Thiên Tân, Thành viên cấp cao của Collegium Helveticum - ETH Zurich

Theo Đời sống
back to top