Nghịch lý sinh viên thiếu việc làm, doanh nghiệp thiếu nhân lực

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, trong khi đó doanh nghiệp luôn luôn kêu than không tuyển được lao động kỹ thuật. Một trong những giải pháp là cần thay đổi quan niệm “học nghề là lựa chọn cuối”.

Lao động được tuyển dụng thường phải đào tạo lại

Bản tin cập nhật thị trường lao động số 21, quý I 2019 công bố bởi Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (Molisa) và Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy dù số lao động qua đào tạo hiện đang thất nghiệp có giảm so với quý 4 và quý 1 năm 2018 nhưng số lượng tuyệt đối lao động thất nghiệp trong quý 1/2019 của lực lượng này vẫn là: Đại học trở lên: 124.500 người; Cao đẳng: 65.100 người; Trung cấp: 52.700 người; Sơ cấp: 18.100 người.

Trong khi đó, theo nhiều số liệu, các doanh nghiệp luôn trong tình trạng không tuyển được lao động kỹ thuật, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao, hoặc thường xuyên phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA, Nhật Bản tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước cho thấy: sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản tốt, chăm chỉ học tập, rèn luyện, tuân thủ các qui định và tiêu chuẩn vận hành của công ty, vận hành, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh.

Tuy nhiên, tinh thần, ý thức, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp không được đánh giá cao, không tích cực sử dụng kỹ thuật cơ bản hoặc giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ, năng lực làm việc tập thể thấp.

Cần phải nâng cao về năng lực quản lý; an toàn lao động; năng lực giao tiếp, làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực tổ chức thực hiện; tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những đề xuất cải thiện, cải tiến hiệu suất công việc một cách tổng quát và luôn nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp.

Từ tình trạng đó, đã khiến nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam đã và sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp.

Và trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáng chú ý và quan trọng hơn cả là hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay.

Cần thay đổi quan niệm “học nghề là lựa chọn cuối” 

Theo ông Phạm Xuân Khánh, để nâng cao chất lượng trong GDNN, một điều rất quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào cho đào tạo nghề.

“Đào tạo nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác tuyển sinh. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn bất cập về chất lượng đầu vào do hầu hết các em vào học nghề là sự lựa chọn cuối. Trong khi yêu cầu đầu ra lại yêu cầu cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp về cả kiến thức, kỹ năng, thái độ”, ông Khánh nói.

Do đó, việc tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông là giải pháp rất quan trọng.

Đồng thời, thành lập các Trung tâm STEM, trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nghề để cho học sinh THPT được học thử nghề, trải nghiệm thực tế các ngành nghề khác nhau trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp - giải pháp phân luồng có hiệu quả nhất hiện nay.

Một giải pháp nữa, theo ông Khánh cũng rất quan trọng, đó là cần gắn kết đào tạo với doanh nghiệp.

Cụ thể, cần Hoàn thiện các quy định về hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo.

Ngược lại, các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ.

Thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.

 Làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp, để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với ông Khánh, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI chia sẻ, Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nhà trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường.

Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp sẽ góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của doanh nghiệp.

Nhà trường giảm chi phí đào tạo, chi phí nguyên vật liệu, máy móc, mô phạm trong quá trình đào tạo, đồng thời dần hoàn thiện chương trình đào tạo của mình để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Mối tương quan này tạo ra môi trường tuyệt vời cho người học, nhà trường đảm bảo đầu ra cho sinh viên, doanh nghiệp chủ động được nguồn cung lao động.

Chính vì vậy, doanh nghiệp là một trong ba nhân tố tạo nên sự đột phá lớn cho GDNN hiện nay.

“Các quy định chính sách pháp luật liên quan đến GDNN chưa thực sự rõ ràng, cơ chế, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn.  Để gắn kết được sự tham gia hiệu quả của doanh nghiệp vào GDNN cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên là doanh nghiệp, nhà trường, người học và người lao động. Đặc biệt là thống nhất giữa các bộ luật, điều luật và các văn bản hướng dẫn. Mỗi hoạt động mà doanh nghiệp có thể tham gia trong công tác đào tạo nghề phải kèm quy định về cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện”, bà Vi Thị Hồng Minh.

Theo Đời sống
back to top