Nghi vấn MSB thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do tàu biển

(khoahocdoisong.vn) - Trong cáo bạch của MSB, những thua lỗ từ các chương trình đầu tư, kinh doanh tàu biển chỉ được điểm qua trong vài dòng ngắn ngủi. Tuy nhiên, trên thực tế, thua lỗ từ các chương trình ấy có thể lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Nhiều nghìn tỷ đồng dần gỉ sét

Theo bản Cáo bạch niêm yết của MSB trong tháng 12/2020, từ năm 2015 đến nay, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu biển. Trong đó, 1 tàu bị chìm năm 2017, 2 tàu đã được bán vào năm 2018. Hiện, MSB đang “ôm” 35 con tàu được gán nợ và lên kế hoạch “thanh lý” trong vòng 3 năm tới (tính từ năm 2020). Tuy nhiên, MSB không đưa ra thông tin cụ thể về danh sách và trọng tải của số tàu này. Tương tự, vấn đề lỗ hay lãi, MSB vẫn chưa đưa ra đáp án, mà sẽ chờ đến thời điểm bán được ghi nhận.

Tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tính bình quân, mỗi tàu gán nợ trị giá 112,6 tỷ đồng.

Cần nhấn mạnh, sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, ngành vận tải biển và đóng tàu ở Việt Nam bị thu hẹp thị trường suy giảm mạnh. Giá tàu thế giới và Việt Nam vì thế sụt giảm mạnh. Xu hướng phục hồi hầu như không có, ngay cả ở thời điểm hiện tại (2020).

Theo nguồn tin riêng của KH&ĐS, phần lớn số tàu này được đóng trong thập niên 2010. Trong số này, có 2 tàu già nhất (đóng 1996, 1998) có trọng tải trên 2,4 vạn tấn và gần 3 vạn tấn, 8 tàu trọng tải từ 7.000 tới 1,2 vạn tấn. Còn lại (25 tàu) có trọng tải trong quãng từ 2.000 – 5.000 tấn, đóng tại Nam Định, Hải Phòng. Nguồn tin cho biết, chất lượng số tàu này rất kém.

So sánh giữa giá trị nhận gán nợ và trọng tải tàu cho thấy, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu này (chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân trong nước) ở mức rất cao.

Được biết, trong số tàu biển gán nợ của MSB có số lớn đến từ Công ty cho thuê tài chính ALC IALC II (của Agribank), thậm chí từ các tập đoàn đã giải thể như Vinashin và Vinalines. Trong đó, ALC II cũng đã phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ. Trong các báo cáo tài chính công bố gần đây, MSB không cho biết tổng dư nợ tàu biển các công ty trên là bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được bao nhiêu…?

Giai đoạn 2012 – 2017, mặc dù MSB phải đối diện với áp lực xử lý nợ xấu, thoái thu nhập lãi, nhưng MSB vẫn tiếp tục nhận lại nợ tàu biển từ ngân hàng khác. MSB cũng rất tích cực cho vay đóng tàu biển mới, hoặc nhận nợ đóng tàu dở dang, cho vay tiếp để hoàn thiện tàu biển đóng mới, đặc biệt với một số doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình, Nam Định. Tổng số vốn MSB đã cho vay vào hoạt động này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều chi tiết khó hiểu?

Thông tin trong bản Cáo bạch cho biết, trong thời gian chờ xử lý thanh lý 35 con tàu gán nợ, MSB vẫn tập trung cho thuê lại tàu để kinh doanh. Cụ thể, MSB cho Công ty Cổ phần Container Phía Nam (Viconship Saigon) thuê 33 tàu. Còn lại 2 con tàu (tàu An Phú 15 và tàu Thành Vân 16) cho Công ty Cổ phần thương mại vận tải Thành Vân thuê.

Tuy nhiên, có một sự bất nhất trong Bản Cáo bạch của MSB. Đó là, ngân hàng này cho biết, đến tháng 7/2020, MSB đã bán thành công 1 con tàu cho đối tác. Như vậy, số tàu thực tế MSB phải “ôm” còn lại là 34 con tàu, chứ không phải 35. Sai số 1 con tàu không lớn, nhưng giá trị gán nợ từ đó sẽ sai lệch hàng trăm tỷ đồng. Nên rất khó chấp nhận việc thông tin không thống nhất từ trên xuống dưới của một ngân hàng. Số tiền thu được từ việc bán con tàu trên phải được hạch toán quyết toán chi phí và doanh thu. Nhưng trong báo cáo tài chính quý 3/2020, thông tin này không thấy được MSB nhắc tới.

Tổng hợp các báo cáo tài chính nhiều năm trở lại đây của MSB, ngân hàng này chưa có đánh giá cụ thể cũng như công bố kết quả về hoạt động cho vay với ngành vận tải biển. Tuy nhiên, như trên đã dẫn, tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tức là, thực tế, việc cho vay tàu biển của MSB không hiệu quả, nếu không nói là thất bại toàn diện.

Và khi khách vay đóng mới vận hành tàu không hiệu quả, phải gán nợ tàu, thì cũng không có hi vọng các khách hàng thuê lại tàu này có thể hoạt động tốt trong điều kiện thị trường vận tải suy giảm. Có nghĩa kết quả chương trình cho thuê tàu của MSB về thực tế cũng rất khó có hiệu quả. Hiện không có thông tin khoản phải thu từ các doanh nghiệp thuê tàu hạch toán vào đâu?

Hiện, một số tàu đang được MSB chào bán với giá trên dưới 20 tỷ đồng, ở mức cực thấp so với giá trị nhận gán nợ (bình quân 112 tỷ đồng/tàu). Điều đó một phần cho thấy chất lượng thực tế các tàu biển này là khá thấp. Và việc thanh lý tàu của MSB là khá khó khăn, khi chỉ bán được một tàu trong cả năm 2020.

Mặt khác, trong trường hợp bán được hết cả lô 34 con tàu trong 3 năm tới, có khả năng MSB cũng chỉ thu về khoảng 700 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng giá trị tài sản nhận nợ đã là 3.940 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị tài sản có thể thu hồi. Nếu tính giá trị thực sự đầu tư, tỷ lệ chênh này chắc chắn còn lớn hơn.

Cáo bạch của MSB không dự kiến sẽ thu được bao nhiêu tiền từ việc bán cả lô tàu này. Điều này khiến thông tin xử lý thanh lý lô tàu trong cáo bạch được thể hiện một cách vô cùng mù mờ, thiếu thông tin xác nhận về chương trình đầu tư thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng này.

Cần lưu ý, nhìn rộng hơn, dù đã tăng trưởng nóng từ năm 2018 đến nay, nhưng chất lượng tài sản của MSB vẫn luôn “dậm chân tại chỗ”, với tỷ lệ tài sản có sinh lãi luôn quanh quẩn ở mức 85% (thấp hơn nhiều so với một số ngân hàng có cùng quy mô như Eximbank: 96,54%; SHB là 91%).

Về tổng quát, có thể thấy MSB có 3 chương trình lớn liên quan tới tàu biển, và dường như đều sẽ thất bại. Cụ thể:
- Chương trình đầu tư tàu biển trị giá hàng nghìn tỷ đồng dẫn tới kết quả phải nhận lại 3.940 tỷ đồng giá trị của 35 tàu biển.
- Chương trình cho thuê tàu biển hiện chưa có kết quả. Nhưng chắc chắn cũng sẽ là thua lỗ nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm, do không thu được từ các doanh nghiệp thuê tàu.
- Chương trình bán thanh lý tàu có nguy cơ chỉ thu lại được không quá 700 tỷ đồng. Trong khi đã đầu tư trên 3.940 tỷ đồng trước đó.
Theo Đời sống
back to top