Các bãi giữ xe vi phạm luôn quá tải, nhiều xe bị hư hỏng, gỉ sét, cả người dân lẫn chính quyền đều kêu khó.
Theo thông kê, sáu năm qua, từ khi nghị định 115/2013 có hiệu lực, đã có hơn 4,3 triệu xe (3,9 triệu mô tô, 249.000 ô tô) bị tạm giữ. Trong đó có 137.000 xe vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được với khoảng 37.000 xe đã thành sắt vụn.
Những lãng phí lớn phát sinh từ nghịch lý nêu trên đã được lãnh đạo Bộ Công an xác nhận trong phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào cuối năm 2019.
Nhiều lý do đã được đưa ra để các cơ quan chức năng nhiều lần mổ xẻ, bàn tính cách khắc phục. Và phải đến giờ thì Nghị định 31/2020 mới được Chính phủ ban hành để sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2013 nhằm điều chỉnh việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ.
Đáng lưu ý là nghị định mới vẫn giữ y một nguyên tắc chung đã có lâu nay là hãn hữu lắm mới giam xe vi phạm giao thông. Cái khác chủ yếu của nghị định mới là có sự rõ ràng hơn để chủ xe dễ dàng làm thủ tục tự giữ xe và CSGT không thể viện lẽ không có đủ hướng dẫn để từ chối giải quyết.
Cụ thể, với nghị định mới thì việc tạm giữ xe theo thủ tục hành chính chỉ được các cơ quan chức năng áp dụng trong trường hợp thật cần thiết đúng theo yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chẳng hạn, ngành công an cần xác minh tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt; cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm để không gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Hay như ngành công an cần bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Đối với các xe vi phạm giao thông thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính, Nghị định 31/2020 hướng dẫn khá chi tiết về việc người vi phạm được tự giữ xe dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, nếu có một trong các điều kiện quy định sau đây thì tổ chức, cá nhân vi phạm được quyền tự giữ, bảo quản xe:
Cá nhân có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Cả cá nhân và tổ chức đều có nơi giữ, bảo quản xe;
Cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh xe.
Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Về thủ tục thì người muốn tự giữ xe vi phạm phải nộp đơn đề nghị có kèm theo các giấy tờ có liên quan. Tương ứng, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết đề nghị đó trong thời hạn nhất định tính từ ngày nhận được đơn đề nghị. Đối với trường hợp bình thường là hai ngày (bằng với Nghị định 115/2013). Đối với trường hợp phức tạp là ba ngày (ngắn hơn hai ngày so với Nghị định 115/2013).
Tất nhiên, dẫu có điều chỉnh được một số bất cập nhưng Nghị định 31/2020 không thể là phép màu để đưa mọi việc đâu vào đó. Vậy nên cùng với việc các CSGT phải tiếp tục hạn chế tối đa việc giam xe, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các xe bị tạm giữ thì người dân cũng cần chủ động giành quyền tự giữ xe theo quy định mới. Chỉ có như thế thì mới giảm thiểu được việc lạm dụng giam xe, gây tốn kém, thiệt hại nhiều mặt cho các chủ xe cùng ngành CSGT.
Những trường hợp không cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ xe:
- Xe là vật chứng của vụ án hình sự;
- Xe được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;
- Giấy chứng nhận đăng ký xe bị làm giả, sửa chữa;
- Biển kiểm soát giả, xe bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
(Theo điểm 7 khoản 5 Điều 1 Nghị định 31/2020)