<div> <p style="text-align: center;"><em><img alt="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp với gần 60 năm làm nghề phỗng đất vẫn luôn đau đáu với nghề truyền thống của cha ông. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+) " src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap1.jpg" /></em></p> <div style="text-align: center;"><em>Nghệ nhân Phùng Đình Giáp với gần 60 năm làm nghề phỗng đất vẫn luôn đau đáu với nghề truyền thống của cha ông. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+)</em></div> <p style="text-align: justify;">Thôn Đông Khê (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) từng một thời nhộn nhịp với nghề làm phỗng đất truyền thống giờ đây đã chuyển mình trở thành "xưởng" vàng mã lớn của cả nước. Chỉ còn đó một người đàn ông hàng ngày vẫn miệt mài giữ gìn truyền thống quý báu của cha ông. </p> <p style="text-align: justify;">Đó là vợ chồng ông Phùng Đình Giáp, nghệ nhân cuối cùng còn một lòng với nghề nặn phỗng đất dân gian.</p> <p style="text-align: justify;">Bắt đầu với nghề từ khi còn học tiểu học, cũng như cha ông ngày xưa, ông Giáp không biết nghề này xuất phát từ đâu, có từ bao giờ. Ông chỉ biết rằng “Cha ông ông làm, ông cũng làm, làm đến khi nào đôi tay này không thể nặn đất tô màu nữa thì thôi.”</p> <div style="text-align: center;"><em><img alt="Nghe nhan Phung Dinh Giap: Nguoi giu hon phong dat Kinh Bac hinh anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap.jpg" title="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc hình ảnh 1" /><span>Bộ phỗng đất truyền thống với 5 hình tượng : chim, rùa, em bé, người già và ông sư đứng. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+) </span></em></div> <p style="text-align: justify;"><strong>Kỹ nghệ làm phỗng đất</strong></p> <p style="text-align: justify;">Ngơi công việc, ông Giáp kể rằng, trước kia cứ mỗi độ Trung Thu, cả ngôi làng lại rộn ràng với tiếng giã chày đập bột. Khu chợ nhỏ bên bờ sông Đuống lại được tô điểm bởi những sắc màu rực rỡ của những ông phỗng đất truyền thống. </p> <p style="text-align: justify;">Ông bảo, bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình: Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hoà bình, con rùa gắn liền với biển cả bao tượng trưng cho sự mạnh mẽ của sinh vật bé nhỏ trong không gian rộng lớn, em bé ôm bông hoa đại diện cho thế hệ con cháu, ông phỗng đứng là đại diện của thế hệ người già và ở giữa hai bức phỗng là hình phỗng ông sư tượng trưng cho lương tâm, đạo đức. </p> <p style="text-align: justify;">Theo thời gian, việc làm phỗng đất không thể để đáp ứng nhu cầu kinh tế. Vì thế mà không chỉ những người lớn bỏ nghề làm phỗng đất truyền thống sang làm vàng mã. Phỗng đất từ đó dường như đã không còn là thứ đồ chơi dân gian Việt Nam bị lãng quên mỗi độ trăng rằm. </p> <p style="text-align: justify;">Dẫu biết rằng nếu theo nghề chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ kinh tế gia đình, mặc cho hàng xóm láng giềng có bỏ nghề theo việc khác, ông Giáp vẫn hàng ngày tiếp tục giữ gìn một phần văn hoá quê hương.</p> <div style="text-align: center;"><em><img alt="Nghe nhan Phung Dinh Giap: Nguoi giu hon phong dat Kinh Bac hinh anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap6.jpg" title="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc hình ảnh 2" />Nghệ nhân Phùng Đình Giáp với gần 60 năm làm nghề phỗng đất ở Kinh Bắc. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+)</em></div> <p style="text-align: justify;">Ông Giáp cho hay quá trình lấy nguyên liệu bây giờ khó khăn hơn trước. Thay vì đào giếng tích đất như ngày xưa, bây giờ ông phải đào ao, bờ, ruộng để thu được về đất thó, một nguyên liệu cực kì quan trọng trong quá trình làm phỗng. </p> <p style="text-align: justify;">Đất phải được đào từ độ sâu từ 2,5-3m. Sau đó đem phơi khô, cho vào cối giã thành bột, sàng đến khi có độ mịn màu xám nhạt. Một nguyên liệu quan trọng song song với đất là bột giấy. Giấy bản được ngâm trong nước cho đến khi mủn hoàn toàn sẽ được trộn với đất thó, dùng chày đập rồi trộn đều cho đến khi hỗn hợp có độ mịn, vân trên tay mà không bị dính thì bột đạt yêu cầu. Hỗn hợp sau đó sẽ được ông Giáp làm nên những tượng phỗng tinh xảo với những hoa văn cầu kì đòi hỏi sự tỉ mỉ của đôi bàn tay. </p> <div style="text-align: center;"><em><img alt="Nghe nhan Phung Dinh Giap: Nguoi giu hon phong dat Kinh Bac hinh anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap5.jpg" title="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc hình ảnh 3" /><span>Bộ phỗng ông Thần giữ đất và Thần giữ tiền. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+) </span></em></div> <p style="text-align: justify;">Quá trình nặn đòi hỏi sự trau chuốt, cẩn thận để giữ được nét mềm mại của tượng phỗng. Khi đã thành hình, phỗng được đem phơi khô dưới nắng rồi phết lên hỗn hợp hồ điệp trắng và hồ nước pha theo tỉ lệ chuẩn, sau đó vẽ lên những màu sắc truyền thống gần gũi với con người...</p> <p style="text-align: justify;">Bởi lẽ vì mất nhiều thời gian và tốn nhiều công đoạn lại không đem lại giá trị cao nên ba người con trai của ông đều không theo nghiệp cha mà như bao người dân làng khác, họ chọn làm vàng mã là nghề phát triển kinh tế gia đình. </p> <p style="text-align: justify;"><strong>Phỗng đất sẽ còn mãi với thời gian</strong></p> <p style="text-align: justify;">Dân làng bỏ nghề, con cháu cũng không theo nghề là nỗi niềm canh cánh đi theo ông Giáp suốt nhiều năm qua. Ngày trước, hai vợ chồng ông Giáp từng đem phỗng ra Hà Nội để bán, đem đến hội chợ để trưng bày nhưng cũng không thể quảng bá được món đồ chơi này. Mọi người chỉ truyền miệng nhau nên phỗng đất cũng chỉ là một thứ gì đó được mọi người nghe qua rồi dần dần lại đi vào quên lãng.</p> <p style="text-align: justify;">Phỗng đất được ít người biết đến, lũ trẻ con cũng đang thích thú với những món đồ chơi hiện đại bắt mắt nên mỗi năm hai vợ chồng ông chỉ làm phỗng vào đợt rằm Trung thu. </p> <p style="text-align: justify;">Bà Nguyễn Thị Điểu-vợ ông Giáp nhớ lại: “Mấy năm gần đây, khi phố cổ Phùng Hưng bắt đầu đi vào hoạt động, phỗng đất làng Hồ có cơ hội được truyền bá ra bên ngoài nhiều hơn, nỗi đau đáu trong lòng ông ấy phần nào đã được nguôi ngoai khi người dân bắt đầu tìm lại những giá trị truyền thống xưa cũ.”</p> <p style="text-align: justify;">Có cơ hội đưa nền văn hoá dân gian tiếp xúc với văn hoá hiện đại, ông Giáp đã rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nhiều hình tượng phỗng mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của mọi người. Nhờ vậy mà bây giờ, hai vợ chồng ông quyết định làm phỗng quanh năm. </p> <p style="text-align: justify;">“Giờ hai vợ chồng tôi già rồi, con cháu cũng đã lớn cả, mình làm cho vui, cái nghề nó đã ngấm vào máu, vừa là tình cảm vừa có thể giữ gìn nét văn hoá quê nhà,” ông Giáp ngậm ngùi nói. </p> <p style="text-align: justify;">Nhờ sự truyền bá rộng rãi và liên tục sáng tạo ra những mẫu phỗng mới, nhiều công ty, tổ chức đã về thăm Đông Khê, tìm hiểu món đồ chơi dân gian tuy lâu đời mà lại lạ lẫm là niềm vui lớn sau suốt mấy chục năm theo nghề.</p> <p style="text-align: justify;">Trong ký ức của ông Giáp, chiếc bàn tính gảy tay được nặn nên từ đất thó nhận được điểm 10 của cô giáo là kỷ niệm đi theo ông suốt từ khi mới bắt đầu làm bạn với đất và màu. Đó cũng chính là khởi nguồn của cuốn sổ mà ông vẫn chăm chỉ viết vào mỗi khi có khách đến chơi nhà tìm hiểu về phỗng đất truyền thống. </p> <div style="text-align: center;"><em><img alt="Nghe nhan Phung Dinh Giap: Nguoi giu hon phong dat Kinh Bac hinh anh 4" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap2.jpg" title="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc hình ảnh 4" /><span>Ông Giáp không bao giờ quên xin thông tin của những vị khách ghé thăm nhà rồi ghi lại vào cuốn sổ nhỏ. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+) </span></em></div> <p style="text-align: justify;">Chậm rãi lật từng trang sổ hoen ố bởi thời gian, ông Giáp vẫn nhớ vẹn nguyên từng kỷ niệm khi khách đến thăm nhà. Cuốn sổ không chỉ là kỉ niệm, là nhật ký mà còn là thành quả của sự cần mẫn giữ nghề suốt hơn nửa thế kỷ.</p> <p style="text-align: justify;">Theo giời gian, những ông phỗng rực rỡ sắc màu không chỉ được lan truyền, quảng bá rộng rãi, mà ngay tại chính ngôi làng của ông, nơi dường như phỗng đất đã đang dần mất đi chỗ đứng, lại được những người hàng xóm đặt về cho con cháu mỗi dịp Trung thu đến. Bởi có lẽ, dù không theo nghề nhưng họ vẫn muốn con cháu mình biết đến truyền thống của cha ông.</p> <p style="text-align: justify;">Biết đâu đó, mai này thôn Đông Khê lại rộn rã tiếng chày cối giã bột, rực rỡ những sắc màu hồng xanh đỏ vàng.</p> <p style="text-align: justify;">Chỉ cần có một vài người lớp trẻ thay cha ông tiếp nối văn hóa truyền thống cũng đã là niềm hạnh phúc lớn đối với người nghệ nhân già./.</p> <div style="text-align: center;"><img alt="Nghe nhan Phung Dinh Giap: Nguoi giu hon phong dat Kinh Bac hinh anh 5" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/14/cdnimg-vietnamplus-vn_vnp_nghenhanphungdinhgiap7.jpg" title="Nghệ nhân Phùng Đình Giáp: Người giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc hình ảnh 5" /><em><span>Ngoài cuốn sổ nhỏ, chiếc điện thoại cũng là một trong những công cụ để ông Giáp lưu lại kỉ niệm mỗi lần đi dạy nặn phỗng đất. (Ảnh: Diệp Anh/Vietnam+) </span></em></div> <div> </div> </div> <p> </p>