“Nghề báo không tồn tại tự nó, cho nó mà... vì xã hội”

Sứ mệnh của Báo chí Cách mạng Việt Nam là rất vẻ vang, đáng tự hào; luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, trân trọng những đóng góp lớn lao của những người làm báo.
Nhân kỷ niệm 98 năm kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Báo Tri thức và Cuộc sống có cuộc trò chuyện với TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
CHU TICH VUSTA PHAN XUAN DUNG: “Nghe bao khong ton tai tu no, cho no ma... vi xa hoi”
TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang - Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho Báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo luôn trường tồn với thời gian, thưa Chủ tịch?
Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 16/4/1959, Bác Hồ căn dặn: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”. “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.
Trải qua gần 60 năm hoạt động, Bác Hồ đã sử dụng 150 bút danh và viết báo bằng nhiều thứ tiếng, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước, với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện, ký và ký họa.
Nói về làm báo và viết báo, Người cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946).
Bác Hồ cho là: “Ngòi bút của các bạn (PV - người làm báo) cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.

Nhà báo không dấn thân, không yêu nghề thì rất khó thành công
- Báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ sắc bén của sự nghiệp cách mạng, của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, định hướng dư luận, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Chủ tịch nhìn nhận thế nào về quan điểm này?
Sứ mệnh của Báo chí Cách mạng Việt Nam là rất vẻ vang, đáng tự hào; luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, trân trọng những đóng góp lớn lao của nhà báo, những người làm báo.
Nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và bởi xã hội. Nhà báo không dấn thân, không yêu nghề thì rất khó thành công.
Với vai trò vừa là một phóng viên, một nhà báo phân tích, một người bình giải và thậm chí “đóng vai” như một người tham gia vào tiến trình lịch sử của thời đại, ngòi bút của các nhà báo trở thành vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
CHU TICH VUSTA PHAN XUAN DUNG: “Nghe bao khong ton tai tu no, cho no ma... vi xa hoi”-Hinh-2
TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
- Phải có tri thức mới làm báo giỏi. Điều này được hiểu đơn giản là nhà báo, người làm báo phải có sự hiểu biết vượt trội về nhiều lĩnh vực, gồm cả tự nhiên và xã hội?
Phải thế! Nhà báo, người làm báo đúng nghĩa là phải hiểu biết và biết đem tri thức, kinh nghiệm tích lũy vào áp dụng thực tế, thông qua các bài viết tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng, có tính chất phổ biến kiến thức, tư vấn và phản biện xã hội đối với các vấn đề thiết thực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ
- Hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, vậy đòi hỏi nào được đặt ra đối với đội ngũ nhà báo, người làm báo?
Trong kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề làm báo; làm cho báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của Nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới.
Đội ngũ người làm báo không chỉ cần tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; mà còn phải tiếp cận và sử dụng hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là các thiết bị kỹ thuật báo chí đa phương tiện để sáng tạo ra những sản phẩm nội dung có giá trị về tư tưởng và hình thức trình bày phong phú, hấp dẫn.
- Là “Thuyền trưởng” của hệ thống báo chí Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch có định hướng và kỳ vọng gì?
Chắc chắn phải là cơ quan tư tưởng, tiếng nói chính thống của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
Các cơ quan báo và tạp chí phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng; hoạt động đúng quy định của Nhà nước, đúng tôn chỉ mục đích và quy định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - là phổ biến kiến thức, tư vấn, giám sát, phản biện xã hội trên tất cả các lĩnh vực, nhất là KH&CN, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ đời sống, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Trân trọng cám ơn Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phan Xuân Dũng!
>>> Mời quý độc giả xem video: TSKH Phan Xuân Dũng (phải) và GS.TSKH Đặng Vũ Minh chủ tịch danh dự VUSTA trao giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả.. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện:

Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Theo Đời sống
back to top