Ngày Tết, ăn thế nào để không bị tăng cân, mắc bệnh?

n ngày Tết đa phần là các món có nhiều dinh dưỡng, năng lượng. Ăn thế nào để không bị tăng cân là mối quan tâm của rất nhiều người

1 miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm.

Lưu ý với những người mắc các bệnh mạn tính

Các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…

Tết là dịp đoàn tụ gia đình, bạn bè, hướng về cội nguồn, tổ tiên… là dịp mọi người có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi thoải mái sau những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, những ngày Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính…

Dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng luợng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…

Đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 – 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.

Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt… hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường… Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Đối với rau, trái cây, đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. Đối với người bình thường nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây một ngày (mỗi suất tương đương 80g) để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì…

Nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu “quá chén”

Trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu rượu bia. Đối với người bình thường không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 chai/lon bia 330ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330ml hay 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Để mỗi dịp Tết đến, xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình: Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, tránh làm phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Cần chú ý cung cấp đủ nước uống (> 2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

TL

(theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Theo Đời sống
back to top