Ngành tài chính, ngân hàng chưa quan tâm tới bảo mật thông tin

(khoahocdoisong.vn) - Cục An toàn thông tin nhìn nhận, các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng vẫn chưa chú trọng đầu tư về bảo mật an toàn thông tin (BMATTT), phần lớn mang tính chất đối phó. Khi có sự cố xảy ra, các đơn vị này mới phối hợp với Cục An toàn thông tin để giải quyết.

Cục An toàn thông tin cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, Cục ghi nhận có gần 3.950 cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, có trên 1.130 cuộc tấn công giao diện (Deface), gần 280 cuộc tấn công bằng mã độc (Malware), trên 2.500 cuộc tấn công bằng thông tin lừa đảo (Phishing).

Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng máy tính “ma” trong tháng 9/2019 là trên 2 triệu địa chỉ. So với cùng kỳ 2018, tổng số sự cố tấn công tăng 104%, trong đó Phishing tăng 141%, Deface tăng 109%. Đặc biệt, trong các cuộc tấn công này, ngân hàng là một trong những đích ngắm thường xuyên của tội phạm. 

Trong khi đó, ông Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng cho biết, hoạt động tấn công mạng ngày càng phức tạp và tinh vi. Đáng chú ý, tấn công mạng vào các tổ chức, doanh nghiệp tài chính, thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến có xu hướng gia tăng, trong khi các đơn vị ở lĩnh vực này vẫn chưa quan tâm đúng mức về BMATTT.

Khảo sát của Cục An toàn thông tin tại 30 ngân hàng thương mại và thương mại cổ phần, 16 đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, bảo hiểm tại Việt Nam trong hai tháng gần đây, thì ngân sách đầu tư cho ATTT năm 2018 rất thấp, chỉ có 20% là đầu tư trên 2 tỷ đồng, 50% còn lại ngân sách đầu tư từ hơn 200 triệu đồng đến khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong tổng số ngân sách đầu tư về ATTT, có đến 40% đơn vị được khảo sát chi từ 10 – 15% cho công nghệ thông tin, 30% chi trên 15% và 30% còn lại chi dưới 10%.

Ngoài ra, các hạng mục đầu tư cho BMATTT tại các đơn vị này cũng chỉ mang tính chất đối phó, vì hơn 65% là chi cho truyền thông và vận hành.

Theo Đời sống
back to top