Số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê cho biết, trong tháng 10, thu ngân sách nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 104,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 141,2 nghìn tỷ đồng, bằng 61,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 156,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 92 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 44,5 nghìn tỷ đồng, bằng 65,8%; thu tiền sử dụng đất 108 nghìn tỷ đồng, bằng 112,7%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước đạt 1.018,6 nghìn tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 846,6 nghìn tỷ đồng, bằng 67%; thu từ dầu thô 28,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 142,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước đạt 1.183,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 801,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,9%; chi đầu tư phát triển 288,7 nghìn tỷ đồng, bằng 61,3%; chi trả nợ lãi 85,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%.
Như vậy, trong 10 tháng năm 2020, ngân sách Nhà nước bội chi 164,7 nghìn tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 được cho là thủ phạm "bào mòn" ngân sách năm 2020 khi thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) sau 9 tháng chỉ đạt 64,5% dự toán năm, thấp so với nhiều năm về tiến độ và tốc độ thu. Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới 115.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể và không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Trong đó có đến 38.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ.
Các con số trong báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy cân đối ngân sách năm nay không dễ dàng. Cụ thể, thu NSNN cả năm ước đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, hụt 189.200 tỷ đồng, tương đương giảm 12,5% dự toán. Trong khi đó, ước tổng chi NSNN gần 1,687 triệu tỷ đồng, giảm 60.890 tỷ đồng, tương đương giảm 3,5% so với dự toán. Như vậy, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá áp lực thu ngân sách 3 tháng cuối năm rất lớn, khiến cho việc cân đối thu - chi, giảm bội chi sẽ rất chật vật. Tuy vậy, trong bối cảnh khó có thể cải thiện nguồn thu thì việc cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả mới là điều quan trọng nhất. Nhiều giải pháp được vị chuyên gia đưa ra là tinh giản biên chế, cải cách định mức chi thường xuyên, tuyệt đối tránh sử dụng lãng phí tài sản công, công trình sự nghiệp...