Trong đó, 13.441 tỷ đồng chi cho các dự án nâng cấp đường sắt hiện có.
Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) được bố trí 583 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam là 2.644 tỷ đồng.
Dự án cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tỉnh Quảng Bình là 1.736 tỷ đồng.
Cùng với đó, các dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM với 1.401 tỷ đồng.
Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh 1.963 tỷ đồng. Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang 2.425 tỷ đồng. Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn 2.256 tỷ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt trên các tuyến đường sắt phía Bắc 333 tỷ đồng...
Trong khi đó, theo tính toán trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng, chiếm 13% ngân sách toàn ngành giao thông.
Như vậy, giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn Ngân sách phải bố trí cho ngành đường sắt là 226.000 tỷ đồng.
Rõ ràng có sự bất hợp lý trong bố trí nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030. Hoặc có thể tổng bố trí nguồn vốn đường sắt giai đoạn 2021 - 2030 không thể đạt được như quy hoạch.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 21.288 tỷ đồng, chiếm 6,8% toàn ngành.
Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, với kinh phí được bố trí như trên chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt, quản lý kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.