Trong bối cảnh công nghệ AI ngày càng phát triển, các ngân hàng lớn tại Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Bưu điện Tiết kiệm, Ngân hàng Giao thông và Ngân hàng Thượng Hải đã bắt đầu triển khai phỏng vấn tuyển dụng bằng AI. Thay vì đối mặt với những nhà tuyển dụng bằng xương bằng thịt, giờ đây các ứng viên sẽ trò chuyện và trả lời câu hỏi từ những phỏng vấn viên ảo. Liệu sự thay đổi này mang lại trải nghiệm tích cực hay gây ra những lo lắng không đáng có?
Theo ghi nhận từ Economic Observer, nhiều ứng viên tỏ ra khá thích thú với hình thức phỏng vấn mới này. Tiểu Lý, một ứng viên chia sẻ rằng anh cảm thấy thoải mái hơn khi đối diện với AI thay vì người thật. Anh cho rằng phỏng vấn viên AI không có định kiến, không phản bác và không tạo áp lực. Theo anh, điều này mang lại một sự công bằng và khách quan hơn trong quá trình tuyển dụng.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn hài lòng với hình thức mới này. Tiểu Lý cũng chỉ ra một số bất cập như sự cố "văng" khỏi hệ thống khi mạng không ổn định, phải thực hiện lại quy trình nhận diện khuôn mặt, hay thậm chí là những câu trả lời bị ngắt quãng cũng có thể bị hệ thống gửi đi. Cô Hứa, một ứng viên khác thì đánh giá cao quy định mỗi câu hỏi có hai lần trả lời, cho phép ứng viên có cơ hội sửa sai.
Trong khi đó, Vương Nhiên, một ứng viên vừa trải nghiệm kiểu phỏng vấn mới mẻ này lại cảm thấy không thoải mái khi phỏng vấn viên AI đưa ra những câu hỏi không liên quan đến công việc. "Tôi ứng tuyển vị trí quản lý khách hàng mà AI lại hỏi tôi 'Bạn cảm nhận thế nào khi quên cách viết chữ?', thậm chí còn có những câu hỏi bị lặp lại", cô chia sẻ. Theo Vương Nhiên, phỏng vấn AI mang đến một trải nghiệm mới lạ nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng đặt câu hỏi phù hợp và đánh giá toàn diện ứng viên.
Ảnh minh họa. |
Một trong những lo ngại lớn nhất của các ứng viên là liệu AI có thể đưa ra những đánh giá chính xác hay không. Vương Nhiên lo lắng rằng AI đôi khi đưa ra những câu hỏi quá khó hoặc không thực tế, có thể vô tình loại bỏ những ứng viên tiềm năng. Ngoài ra, cô cũng lo ngại về tình trạng gian lận, khi nhiều người tìm mua các phần mềm "bẻ khóa" hệ thống AI để có lợi thế trong quá trình phỏng vấn.
Bên cạnh những bất cập, phỏng vấn AI vẫn mang lại một số lợi ích cho các ngân hàng. Dữ liệu thống kê cho thấy một phỏng vấn viên AI có thể thực hiện 2500 cuộc phỏng vấn trong 24 giờ, vượt trội hơn hẳn so với phỏng vấn truyền thống. Điều này giúp các ngân hàng giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tuyển dụng. Hơn nữa, phỏng vấn AI thường được sử dụng sau vòng thi viết sơ loại, không hoàn toàn thay thế phỏng vấn trực tiếp, chỉ là thêm một bước để sàng lọc ứng viên.
Nhìn chung, việc sử dụng AI trong tuyển dụng là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, các ngân hàng và tổ chức sử dụng AI cần phải có những biện pháp để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển dụng. Cần có sự kết hợp giữa phỏng vấn AI và phỏng vấn trực tiếp để đánh giá toàn diện ứng viên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có những quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng gian lận và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Phỏng vấn AI có thể là một công cụ hữu ích, nhưng không nên quá phụ thuộc vào nó mà bỏ qua yếu tố con người trong quá trình tuyển dụng.