Ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng, cổ đông có bị thiệt?

(khoahocdoisong.vn) - Đến nay đã có 28/32 ngân hàng TMCP công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2020. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong kiểm soát dưới 3%, nhưng một loạt ngân hàng vẫn tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), chấp nhận sụt giảm lợi nhuận.

Lãi càng nhiều, dự phòng càng lớn

Điểm lại một loạt các BCTC riêng lẻ quý 3/2020 của các ngân hàng TMCP,  hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức trên dưới 2%, trong tầm kiểm soát. Dù có các chỉ số kinh doanh tốt, nhiều ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận khi trích phần lớn lợi nhuận để DPRR.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng ACB là 6.962 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ của ACB là 0,83%, tăng không đáng kể so với tỷ lệ 0,5% của 9 tháng năm 2019 và là mức rất thấp. Tuy nhiên, ACB lại tăng chi phí DPRR lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ 145 tỷ đồng lên 703 tỷ đồng trong vòng 1 năm.

Sang quý 3/2020, ngân hàng SCB đã hoàn nhập 211 tỷ đồng, nhưng chi phí DPRR trong 9 tháng vẫn chiếm tới 98% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, kéo lợi nhuận trước thuế từ 1.999 tỷ đồng xuống còn 35 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, Nam A Bank liên tiếp tăng trưởng tín dụng nóng. Trong 9 tháng của năm 2020, tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng tới 27%. Trong khi dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến 24/9/2020 chỉ tăng 5,42%. Cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng sẽ dễ khiến ngân hàng thiếu kiểm soát trong công tác cho vay. Do đó, Nam A Bank đã tăng mạnh trích lập dự phòng để quản lý rủi ro tín dụng cao gấp 8 lần cùng kỳ năm 2019, từ 46 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng. Chi phí DPRR tín dụng này làm giảm nửa lợi nhuận kinh doanh của Nam A Bank, khiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Việt Á 9 tháng năm 2019 là 12% so với đầu năm. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tính đến 30/9/2020 đạt 851 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên Viet A Bank đã trích lập 85% số lợi nhuận trên là chi phí DPRR tín dụng. Ngân hàng này không công khai chi tiết các khoản nợ xấu nội bảng trong BCTC, nhưng việc tăng trích lập dự phòng rủi ro hơn 2/3 lợi nhuận kinh doanh cho thấy áp lực xử lý nợ xấu của Viet A Bank là rất lớn. Nếu không phải vì áp lực nợ xấu quá lớn, sẽ có câu hỏi đặt ra cho mục đích “găm giữ” lợi nhuận của ngân hàng này là gì?

10 ngân hàng trích lập chi phí DPRR lớn nhất trong 9 tháng năm 2020 (Tổng hợp: KH&ĐS).

10 ngân hàng trích lập chi phí DPRR lớn nhất trong 9 tháng năm 2020 (Tổng hợp: KH&ĐS).

Không chỉ những ngân hàng có quy mô vốn thấp, những “ông lớn” ngân hàng khác cũng tăng cường trích lập DPRR. BIDV đứng đầu danh sách với 15.813 tỷ đồng chi phí DPRR tín dụng, chiếm 70% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. VietinBank trích lập 53% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, tức khoảng 11.387 tỷ đồng làm chi phí DPRR tín dụng.

Tương tự, Vietcombank trích lập hơn 6.000 tỷ đồng từ lãi thuần kinh doanh để khắc phục rủi ro tín dụng có thể xảy ra trong tương lai.

Tổng chi phí DPRR của 28 ngân hàng TMCP trong 9 tháng lên tới 72.201 tỷ đồng, chiếm quá nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.  

Cổ đông chịu thiệt?

DPRR tín dụng là chính sách được ngân hàng thiết lập để kiểm soát rủi ro tín dụng. Nợ xấu và chất lượng tín dụng kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9/2020 vẫn được kiểm soát tốt, bất chấp những tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,96%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8/2020 là 4,49%.

Xét về mặt con số, đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, số liệu trong BCTC của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe tài chính ngân hàng.

Theo ông Hiếu, Thông tư 01 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nỡ, vì thế nợ xấu chưa phát sinh thêm. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn và có thể bị dồn tích lại cho tương lai. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp trên thế giới khiến nền kinh tế còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Càng về cuối năm và nhất là sang năm 2021, khi những khoản nợ đã được cơ cấu lại phải chuyển nhóm, nợ xấu sẽ tăng. Công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn nếu không có nguồn dự phòng từ trước.

Việc trích lập từ lợi nhuận của ngân hàng một mặt sẽ giúp ngân hàng chủ động ứng phó với rủi ro tín dụng trong tương lai. Ngoài ra, đây là khoản được hạch toán vào chi phí hoạt động, do đó sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp ngân hàng thu hồi được nợ xấu, khoản dự phòng này sẽ được coi như “của để dành”. Đến một giai đoạn thích hợp, khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập, hạch toán vào thu nhập bất thường. Khi đó, ngân hàng vẫn đảm bảo lợi nhuận tính thuế đều đặn trong tương lai.

Tuy nhiên, tăng trích lập dự phòng làm suy giảm lợi nhuận lại khiến các cổ đông và nhà đầu tư chịu thiệt thòi, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ. Thông thường, cổ đông luôn mong muốn nhìn thấy con số lợi nhuận cao để giúp đẩy giá trị cổ phiếu, cũng như tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) tăng cao. Mặt khác, lợi nhuận tăng, cổ đông sẽ được trả cổ tức (dividend) bằng tiền mặt thay vì trả bằng giấy (cổ phiếu).

Hàng loạt ngân hàng có kết quả kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng cao so với năm trước, nhưng lợi nhuận thuần trong kỳ phân bổ cho cổ đông lại thấp. Điều này sẽ tạo áp lực lớn cho cổ đông, khi vốn bỏ ra bị chiếm dụng, không tạo được lợi nhuận.

Theo Đời sống
back to top