Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc bơm tiền ra thị trường?

Việc để thanh khoản hệ thống dồi dào, kéo dài thời gian cơ cấu nợ, cũng như chuyển sang mua ngoại tệ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước được BVSC đánh giá là hành động hướng tới việc bơm thêm tiền đồng ra thị trường...

Công ty Chứng khoán Bảo Việt ( BVSC) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8. Trong đó, cơ quan này cho rằng, những chính sách gần đây của Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới việc bơm tiền ra thị trường và hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lý giải cho nhận định này, BVSC cho biết, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa cắt giảm lãi suất điều hành nếu cầu tín dụng chưa tăng trở lại trong năm 2021. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2021, nhà điều hành vẫn đang sử dụng linh hoạt các hình thức để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, thay vì giảm lãi suất điều hành. Lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình của năm 2020.

Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua
Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua

Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào hơn so với năm ngoái, hơn một năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở và kênh tín phiếu ở trạng thái đóng băng từ tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, BVSC cho rằng việc sửa đổi Thông tư 26 và Thông tư 03 là những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 8, lãi suất huy động trung bình đối với kỳ hạn 12 tháng ghi nhận giảm nhẹ 0,03 điểm phần trăm xuống còn 5,56%.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra Thông tư 14 sửa đổi sửa đổi Thông tư 03, cho phép mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu. Cùng đó là Thông tư số 13 chính thức cắt giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/6/2022.

Về thị trường ngoại hối, tính tới cuối tháng 8, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD/VND giao dịch thực tế tại ngân hàng thương mại đều có diễn biến giảm so với tháng trước đó, lần lượt ở mức 0,22% và 0,71%.

Thậm chí, tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay là 22.779 VND/USD và thấp hơn tỷ giá trung tâm (22.784 VND/USD và 23.130 VND/USD). Ngược lại, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY tăng 0,49% so với tháng trước.

Như vậy, trong khi phần lớn đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á có diễn biến giảm so với USD, VND lại tăng giá so với USD trong 8 tháng đầu năm 2021.

VND lên giá so với USD trong 8 tháng đầu năm 2021
VND lên giá so với USD trong 8 tháng đầu năm 2021

Cũng trong tháng 8, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 225 đồng giá niêm yết mua vào USD, về 22.750 đồng. Đây là lần thứ 3 liên tiếp cơ quan này có động thái giảm giá mua vào đồng USD kể từ tháng 11/2020. Chính yếu tố này đã giúp VND tăng giá so với USD trong tháng 8.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thay đổi phương thức mua kỳ hạn sang giao ngay. Điều này giúp nhà điều hành kịp thời bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi cần thiết.

Tới cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,5% xuống còn 0%.

"Những động thái này đều đang hướng tới việc bơm thêm tiền đồng ra thị trường, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là khi các doanh nghiệp và cá nhân đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài", nhóm nghiên cứu tại BVSC đánh giá.

Theo vneconomy.vn
back to top