Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ trong hai năm qua, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng khi cần hỗ trợ vốn. Như đối với thanh khoản cho doanh nghiệp, các thông tư mới đây của NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.
Thực chất, đây là kéo dài dòng tiền và duy trì thanh khoản cho các doanh nghiệp với điều kiện các ngân hàng phải đánh giá được khả năng trả nợ. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã miễn giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới.
Theo ông Hà, trong năm 2020, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2 điểm % và phát tín hiệu điều hành lãi suất theo hướng đi xuống. Hiện, lãi suất huy động giảm 1,5 điểm %, còn lãi suất cho vay giảm 1,77 điểm % so với đầu năm 2020.
Còn về dư địa của chính sách tiền tệ, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng trung ương thế giới đã có 93 lượt tăng lãi suất, và tính từ tháng 9 tới nay có khoảng 50 lượt. Điều này cho thấy việc điều chỉnh tập trung vào cuối năm. Xu hướng điều hành chung của thế giới là giảm dần các biện pháp từ chính sách tiền tệ, rất ít ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền.
Liên quan tăng trưởng tín dụng, trước đó, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết NHNN mới đây đã chấp thuận tăng hạn mức tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Cụ thể, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm: MSB (22%) và MB (21%); Techcombank (22,1%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng như: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều tổ chức tín dụng đã chạm "trần tín dụng" từ đầu năm đến nay.
BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.