Khái quát lại tình hình kinh doanh của các TCTD trong quý 3, có thể thấy tăng trưởng tín dụng có nhiều khả quan hơn so với quý 2/2020, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý 2/2020. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhà nước lại tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ 1,1% so với quý 2/2020 và 3,4% so với đầu năm.
Cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng. Bên cạnh đó, cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi ở một số ngân hàng như BIDV, MBBank và HDBank.
Trong quý 3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều NHTMCP, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở Techcombank, TPBank và VIB.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng 4,7% trong quý 4/2020 và tăng 11,4% trong năm 2020. Hệ số NIM của ngành có thể cải thiện trong quý sau.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD có thể tăng bình quân 3,4% trong quý 4/2020 và tăng 8,7% trong năm 2020.
Do tăng trưởng tín dụng không đạt như kế hoạch đầu năm, các ngân hàng chuyển hướng mạnh tay đầu tư vào các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)
Nghị định 81 khiến các công ty đẩy mạnh phát hành TPDN trong tháng 7 và tháng 8/2020. Do đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 3/2020 tăng vọt lên 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng TPDN do các NHTM sở hữu vì thế cũng tăng thêm 43,5 nghìn tỷ đồng lên 207 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2020 (tương ứng tăng 70%). Những ngân hàng đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp nhất là Techcombank, SHB, VPBank, MBBank và TPBank.
Thu nhập ngoài lãi của các TCTD có nhiều dấu hiệu tích cực, đặc biệt là thu nhập từ phí và hoa hồng. Thu nhập phí ròng của các NHTM tư nhân tăng 52% so với cùng kỳ và lãi kinh doanh ngoại hối trong các ngân hàng quốc doanh tăng 18%. Techcombank dẫn đầu các TCTD với thu nhập phí ròng và hoa hồng với mức tăng 80% so với cùng kỳ, tiếp theo là Sacombank (tăng 67%), MBBank tăng 59%, VPBank (tăng 33%) và BIDV (tăng 30%).
Nhìn chung, các dịch vụ thanh toán, tài trợ kiều hối đều phục hồi mạnh mẽ trong quý 3/2020 nhờ nhu cầu bị dồn nén sau thời gian thực thi chính sách giãn cách xã hội tháng 4 và tháng 5.
Theo phân tích của SSI Research, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.