Ngủ quên, vòng chữa bệnh "trôi" vào dạ dày
Ngày 15/4, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh viện đã thực hiện nội soi lấy thành công dị vật lớn rơi vào dạ dày bệnh nhân do ngủ quên.
Theo đó, đây là sự cố hy hữu mà ekip trực của khoa Nội Tiêu hóa, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên gặp phải rạng sáng ngày 12/4.
Người bệnh là nữ, 68 tuổi đã vô thức nuốt chiếc vòng bằng đá có 8 hạt, kích thước chừng 0,5 x 0,8 cm để chữa các bệnh liên quan đến họng. Người bệnh chia sẻ đã làm theo quảng cáo là ngậm chiếc vòng đá trong miệng để phát tia, có tác dụng chữa viêm họng, lúc tỉnh dậy mới phát hiện chiếc vòng đã bị trôi xuống họng.
Theo phản xạ, người bệnh đã cố móc họng để nôn ra chiếc vòng nhưng không được và ngay lập tức được gia đình đưa vào Bệnh viện cấp cứu. Tại đây, ekip trực (BS. Nguyễn Văn Hưng và ĐD. Đặng Hoàng Sơn - Khoa Tiêu hóa) đã nội soi và gắp được chiếc vòng từ dạ dày của người bệnh. Chiều cùng ngày, người bệnh ổn định và được xuất viện.
Chiếc vòng được lấy ra từ dạ dày bệnh nhân |
Biến chứng nặng dễ tử vong
Các chuyên gia cho biết, dị vật đường tiêu hóa rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 tuổi vì tò mò hiếu động nuốt nhầm những thứ không phải thực phẩm hoặc chưa tập trung khi ăn uống nên nuốt phải hạt, xương cá…
Các dị vật kích thước nhỏ có thể dễ dàng đi qua họng, thực quản vào dạ dày nhờ phản xạ nuốt. Sau đó, chúng di chuyển theo ống tiêu hóa nhờ nhu động của dạ dày và ruột, có thể tự đẩy ra ngoài hậu môn.
Nếu cấu trúc phức tạp hay sắc nhọn có thể bị kẹt tại thực quản, dạ dày và ruột. Lúc này, bác sĩ cần phẫu thuật nội soi gắp ra. Trường hợp dị vật quá to hoặc đã gây biến chứng nặng, có thể phải mổ mở.
Các chuyên gia cảnh báo, hầu hết tất cả đều liên quan đến thói quen sinh hoạt ăn uống và lao động. Bởi vậy, người dân cần chú ý trong sinh hoạt, lao động, ăn uống, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ mắc dị vật đường tiêu hóa, người dân cần chú ý trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa, mất tập trung.
Tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương; cần cắt nhỏ, nấu kỹ thức ăn cho người cao tuổi, trẻ nhỏ; lưu ý các loại thịt, cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.
Bên cạnh đó, nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong hoặc ngậm các vật dụng khác trong miệng; khi uống thuốc cần bóc bỏ vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi dùng; khi có tiệc rượu, trong tình trạng say xỉn cần hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống.
Khi bị hóc dị vật không tự ý dùng tay móc dị vật trong họng, gây tổn thương thêm cho niêm mạc đường tiêu hóa, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám, nội soi lấy dị vật, tránh những biến chứng khó lường có thể xảy ra.
Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc đồ ăn, hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản.
Mắc dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp – xe, thủng trung thất hoặc đâm vào và làm tổn thương những động mạch có kích thước lớn xung quanh thực quản.
Các dấu hiệu điển hình của người mắc dị vật đường tiêu hóa như sau:
Cảm giác dị vật, hay còn gọi là cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt
Không ăn hay uống được
Khi cố gắng ăn hoặc uống thì bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng nôn
Khó thở, tức ngực, đau nóng rát sau xương ức
Khi mắc dị vật đường tiêu hóa ở dạ dày thì những dị vật, có thể là khối thức ăn sẽ gây tắc đoạn môn vị và hành tá tràng của bệnh nhân, đồng thời bệnh nhân cũng có triệu chứng khác như ăn uống tạm, buồn nôn, đau bụng thượng vị, thức ăn không tiêu hóa, nôn ra dịch thức ăn.
Những trường hợp nặng hơn, khi bệnh nhân mắc dị vật đường tiêu hóa không nhận biết được những dấu hiệu kể trên và tìm đến bác sĩ muộn thì có thể lúc đó dị vật đường tiêu hóa sẽ làm trầy xước, thậm chí rách và nhiễm trùng đường tiêu hóa, biểu hiện nhiễm trùng như sốt, đau họng, ứ đờm và thức ăn ở họng, nôn sau khi ăn là triệu chứng điển hình nhất trong tình trạng này.
Các loại dị vật đường tiêu hóa thường gặp:
Dị vật thực sự: Xương cá, xương động vật, tăm tre, kim băng... có tỷ lệ cao nhất trong các loại dị vật đường tiêu hóa
Dị vật là những loại thức ăn không được nhai kỹ như khối thịt to, búi rau...
Dị vật là những bã thức ăn thành cục: Đây là loại dị vật đường tiêu hóa do bã, xơ thực vật, hạt của trái cây, lông, tóc cùng với chất nhầy từ dạ dày kết hợp thành.