Hơn 300 sàn phải đóng cửa
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuyên gia nhận định sang năm 2020 giá nhà đất sẽ tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, ghi nhận trong những tháng đầu năm 2020, thị trường đã có sự chững lại rõ nét.
Nhiều phòng giao dịch rơi vào tình trạng ế ẩm, lượng khách hàng ghé đến chỉ lẻ tẻ vài người. Có những dự án dù đã đẩy mạnh truyền thông, nhưng cũng không khá hơn là mấy.
Doanh thu hạn hẹp, nhiều công ty địa ốc phải đóng cửa hoặc cho nhân viên hoạt động không lương, chỉ hỗ trợ tiền xăng xe đi lại. Điển hình như Công ty môi giới VT Real (quận 10, TPHCM), đầu năm 2019 có đến 400 nhân viên kinh doanh, thì nay cho nghỉ hết để tránh dịch, chỉ còn lại dàn lãnh đạo công ty.
“Hiện nay một phần không có dự án, một phần dịch bệnh, nên công ty cho nghỉ, vì có vào cũng không có việc làm, lại có khả năng lây bệnh. Đến khi dịch bệnh được khống chế hẳn sẽ tuyển dụng nhân sự trở lại và tìm kiếm nguồn hàng”, lãnh đạo công ty này cho hay.
Công ty G Real cũng đã quyết định cắt giảm từ 100 nhân viên xuống còn khoảng 10 người, hoạt động cầm chừng chờ dịch qua đi và thị trường hồi phục mới tuyển dụng trở lại.
Hay như Công ty Country Holdings đã cho đóng cửa, dừng mọi hoạt động. Toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản đã chia cho các cổ đông. Theo một lãnh đạo công ty, từ trước Tết âm lịch 2020 khoảng 1 tháng, công ty đã đóng cửa cho đến nay.
Ghi nhận ở thị trường nhà phố, biệt thự, đất nền cũng không mấy khả quan. Do ảnh hưởng của dịch, lượng khách tìm đến các phòng giao dịch nhà đất tại các địa bàn như Quận 12, Quận 9, Quận Thủ Đức… giảm khoảng 70% so với cùng kỳ.
Trước tình hình này, nhiều người muốn bán nhà đất nhưng đều rơi vào thế “kẹp hàng”. Bán giá cao đã khó khăn, nhiều chủ nhà và giới đầu tư chấp nhận giảm giá từ 5-15% so với mức giá rao bán trước đó nhưng vẫn không tìm được khách mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, hàng loạt sàn môi giới đang trong tình trạng khó khăn chồng chất. Trong khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.
Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới.
“Nhiều sàn BĐS đóng cửa, không có dự án được chào bán, đây là thời điểm mà thị trường thê thảm nhất trong hàng chục năm gần đây. Thông thường quý đầu năm, lượng sản phẩm chào bán ra thị trường sẽ không cao bằng quý cuối năm. Thế nhưng, trước giờ không có tình trạng không có sản phẩm nào để chào bán ngay sau Tết Nguyên đán như tình cảnh hiện tại của một số sàn” - ông Đính nhấn mạnh.
Ông Đính cho biết, đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối, nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường BĐS là rất lớn thời điểm này.
Dễ đổ vỡ domino
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông - cho rằng con số thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam chính xác vì các sàn hiện nay đa số là “ngáp ngáp” khi sản phẩm không có để bán, khách hàng quan tâm đến BĐS không nhiều.
Nếu như trước đây nhân viên kinh doanh chỉ cần tiếp cận 2 - 3 khách hàng có thể có người mua, còn nay tiếp cận 10 khách hàng cũng chẳng bán được, vì ai cũng thủ tiền mặt trước diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp. “Các sàn nhỏ hiện nay đa số là chết hết vì không chịu nổi chi phí. Ngay Tập đoàn Phú Đông dự kiến tháng 3 này sẽ mở bán căn hộ nhưng do dịch phải dời kế hoạch lại, chờ thị trường tươi tỉnh hơn sẽ công bố”, ông Phúc cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, thời gian qua các công ty môi giới BĐS được lập ra quá dễ dàng, khi luật quy định tối thiểu chỉ cần 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới là được thành lập công ty. Một công ty 500 người môi giới nhưng chỉ cần 2 người có chứng chỉ là được hoạt động hợp pháp. Chính vì quá dễ nên nhân viên kinh doanh chỉ mới mon men vào nghề cũng ra lập công ty. Công ty không cần văn phòng, chỉ cần ngồi quán cà phê là có thể hoạt động. Chính vì vậy, việc đóng cửa các công ty môi giới này là điều dễ hiểu và cần thiết để thanh lọc lại.
Ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, thị trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó đối với các chủ đầu tư, khó khăn nhất là pháp lý để triển khai dự án, sau đó mới đến dịch Covid-19. Theo quy trình 6 bước để thực hiện dự án BĐS, đến bước thứ 4 buộc doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất. Từ lúc đóng tiền sử dụng đất đến khi ra được giấy phép xây dựng, đủ điều kiện bán hàng khi xong móng là mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian này doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng lúc này chưa bán được hàng, ngân hàng chưa cho vay bởi theo quy định chỉ cho vay khi có giấy phép xây dựng.
“Doanh nghiệp mua một dự án, dù chưa hoàn tất giấy phép xây dựng thì ngân hàng có thể dựa trên giá trị tài sản để cho vay. Trong khi những khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính còn chưa được tháo gỡ thì dịch Covid-19 ập đến khiến thị trường đã khó càng khó hơn. Trong trường hợp dịch kéo dài sẽ làm nguồn thu tài chính của khách hàng giảm đi, không có tiền đóng theo tiến độ cho chủ đầu tư, không có tiền đầu tư vào BĐS sẽ dễ xảy ra nguy cơ đổ vỡ dạng domino”, ông Khương lo lắng.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn xấu, chỉ khi nào Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh mới có thể nhìn thấy được những chuyển biến tích cực. Trong cơn khủng hoảng, việc xây dựng niềm tin bằng cách thẳng thắn chia sẻ thông tin, tăng cường xây dựng mối quan hệ tích cực với các đối tác, khách hàng lớn và nhà thầu là điều quan trọng để các bên cùng chia sẻ và vượt qua khó khăn với các doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, việc xử lý tái cấu trúc nhanh danh mục đầu tư và tái định giá tài sản có thể giúp đưa ra chiến lược thoái vốn hợp lý và kịp thời.