Kịch bản cho các nước ASEAN sẽ là đẩy mạnh xuất khẩu ô tô nội khối để vừa tận dụng ưu đãi thuế suất bằng 0%, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất thời kỳ hậu Covid-19. Điều này liệu có thúc đẩy việc thiết lập một mặt bằng giá mới của ô tô tại Việt Nam?
Sức mua giảm toàn cầu
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) mới được công bố, sự bùng phát dịch Covid-19 gây ra 2 tác động đối với ngành ô tô. Thứ nhất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng vấn đề này đã được giải quyết nhanh chóng. Thứ hai, là nhu cầu mua ô tô suy giảm. Đối với vấn đề về chuỗi cung ứng, HSC cho rằng, sẽ nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ kéo dài bao lâu.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, doanh số bán hàng năm nay sẽ sụt giảm hơn 15% so với năm trước. Thống kê của Bộ Công thương mới đây cũng cho thấy, lượng ô tô tồn kho trong 3 tháng đầu năm 2020 đã tăng 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở bình diện khu vực và thế giới, hàng trăm nhà máy ô tô khắp thế giới lần lượt phải đóng cửa từ giữa tháng 2 đến nay. Ngoài lý do phòng ngừa dịch bệnh, một trong các lý do được các hãng xe nêu ra là bởi “nhu cầu mua xe mới giảm mạnh”.
Chỉ riêng trong khu vực, báo cáo bán hàng nội địa từng thành viên ASEAN những tháng qua đều cho thấy doanh số sụt giảm mạnh từng tháng, như Thái Lan giảm trung bình 17,1%, Malaysia giảm 12%, Philippines giảm 13,7%, Indonesia giảm 3,1%...
Báo cáo có tiêu đề "Bán hàng ô tô Đông Nam Á dưới áp lực đáng kể trong bối cảnh Covid-19 lây lan" công bố bởi hãng tư vấn Fitch Solution cho hay, trong khu vực ASEAN, các quốc gia như Philippines, Malaysia và Thái Lan sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán xe nghiêm trọng hơn các nước còn lại.
Thống kê sơ bộ 2 tháng đầu năm, mức tiêu thụ ô tô ở các quốc gia nói trên sụt giảm trung bình từ 25 - 28%, bao gồm cả sản lượng dành cho xuất khẩu. Hiệp hội công nghiệp ô tô các nước này đều lần lượt thừa nhận việc sắp phải điều chỉnh kế hoạch tổng thể sản xuất và bán hàng năm nay, dù chưa cho biết con số điều chỉnh cụ thể là bao nhiêu.
Nhận định về tình hình hiện nay và các diễn biến tiếp theo, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, các nước trong ASEAN có vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất ô tô châu Á - Thái Bình Dương như: Thái Lan, Philippines, Indonesia sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sản lượng tiêu thụ nội địa sụt giảm nghiêm trọng.
“Điều dễ hiểu là họ sẽ ưu tiên xuất khẩu vào các nước khác trong ASEAN để tận hưởng ưu đãi thuế suất ô tô bằng 0%. Trong bối cảnh đó, phần còn lại của Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào… sẽ là khách hàng lớn tiềm năng của chính các nước láng giềng”, ông Nguyễn Minh Đồng nhận định.
Mặt bằng giá ô tô có giảm?
Việt Nam dù được đánh giá là đối phó với Covid-19 hiệu quả, tuy nhiên khoảng thời gian giãn cách xã hội, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, trong đó có các nhà sản xuất lớn như Toyota, TC Motor, Ford, VinFast… đã tác động tới doanh số bán hàng, kể cả xe nhập nguyên chiếc hay là xe lắp ráp trong nước.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cũng nêu bật thực trạng: Tính đến hết quý I/2020, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 23.000 chiếc, trị giá đạt 497 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Từ những số liệu nêu trên và căn cứ vào tình hình thực tế không khó để dự đoán lượng ô tô sản xuất toàn cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng hàng tồn kho chắc chắn sẽ tăng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, người dân có nhu cầu sở hữu ô tô cũng có thể kỳ vọng khi “cung vượt cầu” thì giá xe sẽ giảm. Thực tế kể từ đầu năm đến nay, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, giá ô tô tại Việt Nam đã có những thời điểm giảm chưa từng có, diễn ra ở rộng khắp tất cả các phân khúc, từ xe cỡ nhỏ hạng A đến các mẫu xe bình dân hay hạng sang.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Giám đốc một đại lý của hãng xe thương hiệu Việt cho biết: “So với trước Tết, mức giá thật sự đã giảm khá nhiều dưới hình thức ưu đãi, chiết khấu cho khách hàng. Có mẫu xe giảm giá tới trên 200 triệu đồng, điều chưa từng thấy. Nếu đại dịch kéo dài vài tháng thì khó đoán trước điều gì. Có khi đại lý vẫn phải chấp nhận bán hòa hoặc lỗ vốn để xả hàng”.
Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng cho các DN sau đợt dịch.
Điều trùng hợp là cách đây khoảng 2 tuần, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đề xuất Chính phủ nguyện vọng được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, đồng thời giảm thêm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh.
Nếu đề xuất của Bộ Công thương và VAMA được thông qua, các mẫu xe phổ thông giá 700 triệu đến 1 tỷ đồng đang có mức lệ phí trước bạ từ khoảng 85 - 120 triệu đồng sẽ giảm tương ứng từ 43 - 60 triệu đồng khi lăn bánh.
Hiện tại, trong lúc chờ Chính phủ xem xét đề xuất giảm lệ phí trước bạ, một số DN đã tự đưa ra những chương trình ưu đãi để kích cầu bằng nhiều cách đa dạng, như hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ, giảm trực tiếp tiền mặt và tặng các gói phụ kiện cho khách mua xe. Các đại lý còn tồn nhiều xe thậm chí đưa ra mức giảm giá mạnh tay hơn nhà phân phối, lên tới cả trăm triệu đồng đối với những xe giá tiền tỷ.
Vì vậy, tuy chưa thể biết khi nào dịch Covid-19 sẽ lui và phản ứng của thị trường sẽ ra sao nhưng một khi sức mua yếu trong khi sản xuất được phục hồi thì rất có thể các hãng xe sẽ phải tính tới phương án giảm giá mạnh hơn nữa để kích cầu, giữ thị phần.
Nhận định về khả năng sẽ có mặt bằng giá mới cho ô tô sau đại dịch, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, các hãng xe đang ngừng sản xuất hoặc quay sang làm máy thở, đó cũng là cách để duy trì sản xuất và điều tiết sản lượng, tránh tăng mạnh lượng tồn kho. Còn việc có đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sang Việt Nam và tạo mặt bằng giá mới hay không sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu của thị trường Việt Nam sau đại dịch Covid-19 có tăng hay không. Thứ hai, xe từ thị trường nào vào Việt Nam thì theo hiệp định với thị trường đó. Chẳng hạn như ASEAN thì theo hiệp định ATIGA, châu Âu thì theo CPTPP, Nhật Bản, Hàn Quốc thì theo hiệp định song phương đang còn hiệu lực, nên cũng không hẳn là hết dịch thì xuất khẩu xe sẽ ồ ạt vào Việt Nam như suy luận.