Chị Nguyễn Thị Hoa, 35 tuổi (Hà Nội) mới sinh con đầu lòng nên rất cẩn thận trong ăn uống, dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng tới con. Khi tầng sinh môn của chị chưa lành, đau và có dấu hiệu sưng nề nhưng chị không dùng kháng sinh mà chỉ tích cực ngâm rửa nước trà xanh, trầu không... Chị sợ uống kháng sinh ảnh hưởng tới chất lượng sữa và con. Đến khi âm hộ sưng to, mưng mủ, đau không chịu được chị mới đi khám thì bị nhiễm trùng nặng.
Lời bàn: BS Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản cho biết, sau sinh con với những sản phụ sinh thường cần chú ý đến vết khâu tầng sinh môn. Nếu tầng sinh môn bị rách hay cắt khi sinh thì được may lại. Vết khâu tầng sinh môn cần được kiểm tra xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ, đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ… hay không?
Nếu bị đau có mủ cần được điều trị ngay, tránh tình trạng ẩm ướt kéo dài vết thương sẽ chậm lành và dễ nhiễm trùng, tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón… Với những sản phụ sinh mổ cần chú ý đến chăm sóc vết mổ. Nếu quá đau, bạn vẫn có thể dùng thuốc kháng sinh dành cho phụ nữ cho con bú, không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
N.Hà