Lãnh đạo Cục Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Liên bang cho biết, những hợp đồng, được lên kế hoạch cho năm 2022 đã được thực hiện. Các máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và hệ thống phòng không đã được chuyển giao cho các quốc gia này vượt trước lịch trình.
Năm 2021, Nga chuyển giao cho Kazakhstan và Uzbekistan máy bay Su-30SM, trực thăng Mi-35M, hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E, xe thiết giap BTR-80 và BTR-82A - Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSMTC) Dmitry Shugaev thông báo với Hãng truyền thông quốc gia RBK Nga.
Ngoài ra, Nga cung cấp tăng cường cho các quốc gia này máy bay không người lái UAV Orlan-10E đa chức năng, xe bọc thép hạng nhẹ Typhoon-K và các loại vũ khí bộ binh số lượng lớn.
Ông Shugaev nhấn mạnh rằng, quyết định tăng giảm nguồn cung cấp do khách hàng yêu cầu theo thỏa thuận với FSMTC, vì những vấn đề này liên quan đến việc kiểm soát các nghĩa vụ của hợp đồng.
“Điều đó được hiểu là, những quốc gia có biên giới tiếp giáp với Afghanistan tự xác định dựa trên nhu cầu và kế hoạch tác chiến của lực lượng vũ trang trong tình hình cụ thể cần bao nhiêu vũ khí. Mục tiêu chính của chúng ta là duy trì sự ổn định trong khu vực này và thực hiện các nghĩa vụ” - ông kết luận.
Xuất khẩu của Nga theo mã bí mật ở cấp độ 4 ký tự (SSSS), bao gồm cung cấp máy bay, xe thiết giáp, hệ thống tên lửa phòng không cho Kazakhstan trong tháng 1-8 / 2021 đạt 35,6 triệu USD, xuất khẩu sang Uzbekistan - khoảng USD 12 triệu - theo thống kê dữ liệu công khai của Cục Hải quan Liên bang.
Tháng 8, Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Nga, đại tướng Valery Gerasimov cho biết, Nga tăng cường cung cấp vũ khí cho các nước Trung Á, đối mặt với các mối đe dọa khủng bố.
“Để ứng phó với tình hình ngày càng trầm trọng trong khu vực và sẵn sàng tiến hành những chiến dịch chung đẩy lùi các mối đe dọa khủng bố, một số cuộc diễn tập chung được lên kế hoạch cả trên lãnh thổ của Uzbekistan và lãnh thổ của Tajikistan. Nga cung cấp thêm vũ khí, trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật quân sự trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kỹ thuật-quân sự” - ông nói.
Tướng Gerasimov nói thêm, Nga cung cấp "hỗ trợ phương pháp lý luận quân sự nhằm tăng cường sự hoàn thiện" Lực lượng vũ trang Uzbekistan, đồng thời cũng đào tạo các sĩ quan quân sự trình độ cao trong các trường đại học quân sự Nga.
Một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài nằm ở Trung Á - căn cứ quân sự thứ 201 ở Tajikistan.
Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, trong cuộc trò chuyện với RBC, nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố căn cứ này do vị trí gần với biên giới Afghanistan, nơi sẽ xuất hiện các mối đe dọa khủng bố.
Tháng 8/2021, tướng Shoigu nhấn mạnh sẽ sử dụng căn cứ này trong trường hợp bị lực lượng Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan tấn công.
Tổng chiều dài biên giới Tajikistan với Afghanistan hơn 1344 km. Trong đó, biên giới trên sông dài 1135 km,tuyến biên giới đất liền gần 190 km và biên giới qua hồ 19 km.
Các đơn vị binh chủng hợp thành và phân đội của căn cứ quân sự 201 được triển khai tại hai thành phố - Dushanbe và Kurgan-Tyube.
Theo thỏa thuận với chính quyền Tajik, quân đội Nga sẽ phải duy trì căn cứ quân sự ở quốc gia này đến năm 2042.
Quân đội Nga không ngừng tăng cường và nâng cấp trang thiết bị chiến đấu và đặc chủng của căn cứ quân sự (RVB) 201 ở Tajikistan. Căn cứ 201 của Nga hiện đang trong tình trạng báo động:
Trong biên chế trang bị của căn cứ có Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300PS; 20 tổ hợp phòng không vác vai Verba MANPAD; Trực thăng vận tải và chiến đấu Mi-8-MTV5-1; Xe tăng T-72B1;100 xe thiết giáp BTR-82A, được nâng cấp với hỏa lực tăng cường hơn, khả năng bảo vệ kíp xe, bộ binh và hệ thống thông tin liên lạc mới; Xe bọc thép Esaul, vận chuyển quân nhân qua các địa bàn nguy hiểm; Đài gây nhiễu vô tuyến Pole-21; Các UAV Oraln-10 và UAV Eleron-3 và Tachyon tiên tiến; Hệ thống chống máy bay không người lái và tác chiến điện tử (EW) Silok; 17 xe chiến đấu bộ binh (BMP-2M) nâng cấp; một khẩu đội pháo phản lực MLRS Uragan; Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet.
Trong tình huống tiếp tục gia tăng căng thẳng và cuộc chiến Taliban - IS, điều cần thiết chắc chắn là tăng cường vũ khí trang bị đến Trung Á, đối phó với các mối đe dọa về những cuộc xâm nhập qua biên giới bất hợp pháp và chiến dịch tiến công trực tiếp của khủng bố vào biên giới hai quốc gia này.