Nếu ở lâu trong vũ trụ, cơ thể con người sẽ thay đổi thế nào?
Tâm Anh (theo IFL Science)
Khi ở trong môi trường vũ trụ, cơ thể con người sẽ có thể bị sưng phù mặt. Điều này xảy ra là do môi trường ít lực hấp dẫn hơn trong vũ trụ cho phép chất lỏng cơ thể phân tán đều hơn.
Do sống ở môi trường không trọng lực nên cơ thể con người sẽ trải qua một số thay đổi khác xa so với khi sinh sống trên Trái Đất. Trong số này có việc, khi ở trong môi trường vũ trụ, con người sẽ có thể bị rụng móng tay.
Khi đi bộ trong không gian, các phi hành gia sẽ phải mặc bộ đồ vũ trụ. Bộ đồ này được điều áp nhân tạo để họ có thể hít thở và an toàn trong môi trường không trọng lực.
Dù vậy, phi hành gia vẫn có nguy cơ gặp một số thương tích, bao gồm ly móng (onycholysis). Đây là tình trạng phần phiến móng bên trên bị tách ra khỏi giường móng bên dưới.
NASA cho hay phi hành gia thường bị thương tích ở tay khi tập huấn cho hoạt động ngoài không gian. Khi găng tay được điều áp, chúng hạn chế chuyển động và tạo ra những điểm nén trong suốt nhiệm vụ, đôi khi dẫn tới đau đớn, mỏi cơ, trầy da, thậm chí là rụng móng tay.
Tiếp đến, khi ở trong môi trường vũ trụ, cơ thể con người sẽ có thể bị sưng phù mặt, Điều này xảy ra là do môi trường ít lực hấp dẫn hơn trong vũ trụ cho phép chất lỏng cơ thể phân tán đều hơn.
Khi phi hành gia bay lần đầu thực hiện sứ mệnh vào vũ trụ, họ sẽ cảm thấy như thể bị cảm lạnh và gương mặt sưng phù. May mắn là tình trạng này chỉ kéo dài vài ngày.
Nếu sống lâu trong môi trường không trọng lực, cơ thể con người sẽ bị giảm khối lượng cơ và mô xương. Nguyên do là bởi cơ xương không cần chống đỡ trọng lượng trong môi trường vi trọng lực.
Để giảm bớt ảnh hưởng của việc loãng xương, teo cơ và duy trì khả năng đi lại khi trở về Trái Đất, phi hành gia phải luyện tập thường xuyên như sử dụng máy chạy bộ.
Sau khi quay lại Trái Đất, các nhà du hành vũ trụ cần phải tập gym trong một thời gian để lấy lại khối lượng cơ đã mất và tình trạng thể chất tốt như trước.
Mời độc giả xem video: Ngắm Trái Đất đẹp mê hồn từ Trạm Vũ trụ quốc tế.