Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), chương trình giáo dục trải nghiệm 2018 đòi hỏi học sinh phải tiếp xúc thực tế, khám phá thiên nhiên, xã hội... Do đó, đây là hoạt động nên làm, nhưng phải an toàn.
Trước đây, học sinh chỉ được tham gia dã ngoại với ý nghĩa vui chơi, giải trí. Hiện nay, các trường học đã lồng ghép, kết hợp học và chơi qua chương trình trải nghiệm với mục đích để học sinh thực tế hóa lý thuyết. Công tác tổ chức phải làm khoa học, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cách thức hoạt động và phải có kết quả thu hoạch, chứ không đơn thuần là chơi.
TS Nguyễn Tùng Lâm. |
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hoạt động trải nghiệm hiện nay khác hoàn toàn những năm trước đây. Học sinh phải có thu hoạch, đánh giá hay bài học khám phá thiên nhiên, xã hội... Phương thức thu hoạch sẽ khác nhau theo từng nhóm học sinh, độ tuổi, cấp học.
“Chúng ta không nên có góc nhìn tiêu cực về việc các trường, phụ huynh tổ chức cho học sinh trải nghiệm ở nơi xa, liên tỉnh. Đến đâu không quan trọng, quan trọng là mục đích đến làm gì. Trước khi tổ chức chuyến đi, cần phải có kế hoạch rõ ràng về mục đích, phương án và phối hợp nơi đến bảo đảm an toàn cho học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay./.