Theo ông Nguyễn Minh Cường, Việt Nam vẫn đang hoàn toàn ở trong giai đoạn ứng phó, chưa thể phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, nền kinh tế Việt Nam còn chưa tiệm cận được đến giai đoạn tạm ổn.
Đặc biệt, khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại vào tuần cuối tháng 7 ở Đà Nẵng và lây lan sang nhiều địa phương khác, nền kinh tế càng lâm vào tình trạng nguy nan hơn. Khả năng phục hồi có thể bị chững lại trong những tháng tới.
Do đó, nền kinh tế phục hồi theo mô hình chữ V gần như là không có khả năng xảy ra.
“Mô hình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo kịch bản nào, theo hình chữ U hay L còn phải xem xét lại, nhưng chắc chắn không phải mô hình chữ V.” Ông Cường khẳng định.
Không riêng Việt Nam, mà triển vọng kinh tế toàn cầu đều đang bị bao phủ bởi “màu xám” và thời kỳ suy giảm chưa có dấu hiệu chững lại. Chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều ngành nghề kinh doanh chưa có dấu hiệu phục hồi, ngay cả khi một số quốc gia mới đây tuyên bố sản xuất được văcxin chống Covid-19.
Việt Nam cần xác định rõ đang ở giai đoạn nào để định hình những chính sách phù hợp. Vì mỗi giai đoạn sẽ có chính sách khác nhau. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh cầm chừng, kinh tế đứt gãy như hiện nay, Chính phủ không thể áp dụng duy nhất chính sách tăng trưởng để “ép” nền kinh tế đi lên theo mô hình chữ V.
Với bối cảnh ứng phó như hiện nay, ông Cường cho rằng, ngoài tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy những chính sách tài khoá, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó mới dần vực dậy nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại Việt Nam tăng lên 2,7% trong quý II/2020 và là mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Số người thiếu việc làm trong trong độ tuổi lao động tăng lên gần 1,5 triệu người. Thu nhập của người lao động cũng suy giảm.
“Thời điểm 2020, con số tăng trưởng cụ thể bao nhiêu, theo mô hình chữ gì không quá quan trọng. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện được 2 mục tiêu: ổn định kinh tế trong 2020 và tạo nền tảng cho phục hồi của 2021- 2022. Điều này mới là quan trọng nhất”, ông Cường nhấn mạnh.