Nên ăn gì trong "ngày đèn đỏ" để bớt khó chịu?

Khi trải qua kỳ kinh, cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi, phổ biến nhất là đau bụng, đau lưng, mệt mỏi… Cách an toàn và hiệu quả được nhiều chị em áp dụng là thông qua chế độ ăn uống.

Đau bụng kinh là hiện tượng tử cung co thắt để đẩy kinh nguyệt ra ngoài. Khi thành tử cung co bóp, mạch máu bị chèn ép không cung cấp đủ máu đến tử cung, dẫn đến tình trạng đau ở vùng bụng dưới, đau lưng hoặc đùi.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), hơn ½ phụ nữ bị đau bụng kinh trong khoảng 1-2 ngày đầu hành kinh mỗi tháng. Mức độ đau khác nhau tùy cơ địa mỗi người, có thể đau âm ỉ, dai dẳng đến đau dữ dội.

Khi trải qua kỳ kinh, cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi, phổ biến nhất là đau bụng, đau lưng, mệt mỏi… Ảnh minh họa

Khi trải qua kỳ kinh, cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi, phổ biến nhất là đau bụng, đau lưng, mệt mỏi… Ảnh minh họa

Một số trường hợp đau bụng kinh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và công việc thường ngày khiến chị em lo lắng tìm giải pháp cải thiện. Nhiều chị em thắc mắc liệu có thực phẩm giảm đau bụng kinh nào hiệu quả không?

Theo chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thực tế không có loại thực phẩm nào được chứng minh có tác dụng làm chấm dứt hoàn toàn cơn đau bụng kinh. Tuy nhiên, việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ giúp làm giảm sự khó chịu của đau bụng kinh và các triệu chứng khác trong kỳ kinh nguyệt.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước luôn là lời khuyên hữu ích của các chuyên gia đối với mọi người, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt. Trong thời kỳ đèn đỏ, cơ thể thường có các triệu chứng điển hình là chuột rút, đau nhức. Việc uống đủ nước có thể làm giảm nguy cơ bị đau đầu, chuột rút,... Vì vậy, nên bổ sung nước tối thiểu 2 lít/ngày.

Gừng

Một cốc trà gừng giúp cải thiện một số triệu chứng của kỳ kinh nguyệt. Gừng có tác dụng chống viêm nên có thể làm dịu các cơ bị đau nhức trong ngày đèn đỏ. Đồng thời, gừng còn làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn ói. Tuy nhiên, phụ nữ chú ý không nên tiêu thụ quá nhiều gừng. Việc tiêu thụ trên 4g gừng/ngày có thể gây ra chứng ợ nóng và đau bụng.

Sữa chua

Nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Với những người có xu hướng bị nhiễm trùng nấm men, các thực phẩm giàu probiotic như sữa chua sẽ rất tốt vì chúng giúp nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong âm đạo, giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, sữa chua còn rất giàu magie và các dưỡng chất thiết yếu khác như canxi. Vì vậy, trong thực đơn cho ngày đèn đỏ, chị em có thể bổ sung sữa chua.

Cá rất giàu chất sắt, protein và axit béo Omega-3. Vì vậy, cá là loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho chế độ ăn uống của mọi người. Ăn cá sẽ bổ sung sắt cho cơ thể, kiểm soát được tình trạng giảm nồng độ sắt trong thời kỳ kinh nguyệt.

Bên cạnh đó, Omega-3 cũng làm giảm cường độ của cơn đau trong kỳ đèn đỏ. Đồng thời, dưỡng chất này còn làm giảm chứng trầm cảm, tâm trạng thất thường xung quanh kỳ kinh nguyệt.

Socola đen

Socola đen rất giàu sắt và magie. 1 thanh socola đen 100g có chứa 67% nhu cầu sắt và 58% nhu cầu magie hằng ngày của cơ thể. Magie làm giảm nhẹ các triệu chứng của thời kỳ đèn đỏ.

Trứng

Trong trứng chứa rất nhiều protein làm giảm cơn đau bụng kinh hiệu quả. Hàm lượng vitamin B6, vitamin E và vitamin D có trong trứng cũng giúp bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể trong giai đoạn nhạy cảm này.

Trái cây

Vào những ngày hành kinh chị em có xu hướng thèm ngọt hơn, đó là dấu hiệu báo hiệu cơ thể đang thiếu đường. Trong trái cây chứa hàm lượng đường tự nhiên cao sẽ giúp cải thiện được tình trạng này, cũng như bổ sung các dưỡng chất thiết yếu khác cho cơ thể. Chị em nên ăn nhiều chuối, dứa, kiwi… bởi trong những loại trái cây này chứa nhiều vitamin B6 và kali là chất giúp giảm triệu chứng đau bụng kinh hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top