nCoV rất khó lây truyền qua các bề mặt như tay nắm cửa

Phát hiện được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases cho biết, nCoV rất khó để hoạt động và lây truyền qua các bề mặt như tay nắm cửa, giường bệnh điều trị F0.
tay-nam-cua.jpg

GS Deverick Anderson, Đại học Duke cho biết, ở thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều nghiên cứu phát hiện SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều ngày. Nhưng điều này không có nghĩa tất cả virus lây nhiễm đều ‘sống’ được trên các mặt tiếp xúc.

GS Anderson và cộng sự tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thử nghiệm nhiều loại bề mặt khác nhau trong phòng bệnh của 20 F0 đang được điều trị ở Bệnh viện Đại học Duke. Thời gian kiểm tra tính từ ngày thứ 1, 3, 6, 10 và 14 sau khi nhập viện.

Các mẫu được thu thập từ lan can, bồn rửa mặt, khu vực chuẩn bị y tế, máy tính trong phòng và tay nắm cửa... Mẫu cuối cùng được thu thập tại máy tính của trạm điều dưỡng bên ngoài phòng bệnh.

Xét nghiệm RT-PCR cho thấy 19 trong số 347 mẫu thu thập được cho kết quả dương tính với nCoV, gồm 9 mẫu từ tay vịn lan can, một mẫu từ khu vực chuẩn bị y tế và một mẫu từ tay nắm cửa thoát hiểm. Tất cả mẫu ở máy tính của trạm điều dưỡng đều âm tính.

16/19 mẫu dương tính có kết quả vào ngày đầu tiên hoặc thứ 3 sau khi F0 nhập viện. Nhóm tác giả đã lấy 19 mẫu virus đem nuôi cấy tế bào. Chỉ 1 mẫu được lấy từ tay vịn cửa của một F0 có khả năng lây tuyền virus.

GS Anderson cho rằng, phát hiện của họ củng cố thêm khuyến cáo về việc SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt hô hấp trong không khí khi tiếp xúc trực tiếp. Do đó, các quốc gia nên tập trung vào chiến lược chống lây nhiễm bằng phương pháp đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách để giảm thiểu tiếp xúc các giọt bắn chứa virus trong không khí.

Theo Đời sống
back to top