Hàng loạt vụ cháy xe kinh hoàng
11 giờ 45 phút ngày 20/6, chiếc xe khách giường nằm đang chở khách từ Hà Nội về Nghệ An, khi tới cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa) bất ngờ bốc cháy dữ dội, 18 hành khách trên ôtô may mắn kịp thoát ra ngoài.
Trước đó vào khoảng 9h30 sáng 18/6, tại km12+400 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hướng về Nội Bài (thuộc địa bàn huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xảy ra vụ cháy xe khách Sao Việt. Lúc này, trên xe có 11 người. Tài xế cho xe tấp vào lề đường để mọi người xuống xe.
Câu hỏi đặt ra là liệu nắng nóng có phải là nguyên nhân gây cháy xe? Theo KS Lê Văn Tạch, việc đưa ra giả định xe đỗ dưới trời nắng nóng khiến các bộ phận của xe nóng lên và phát nổ là khó xảy ra. Bởi các thiết bị của ô tô được chế tạo theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đặc thù, phải chịu được nhiệt độ cao.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe, trong quá trình vận hành, rác và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn vào bên trong khoang máy, gầm xe… nơi nhiệt độ luôn ở mức rất cao. Khi trời nắng gắt, lượng nhiệt ở khu vực này tiếp tục gia tăng và những thứ tưởng như vô hại này sẽ lập tức trở thành “kẻ phá hoại” kinh khủng ít ai ngờ. Ví dụ như vụ Mercedes cháy ở Nghệ An trước đây do rơm cuốn gầm xe là một dẫn chứng đáng bàn đến. Hay trong xe để đồ vật dễ cháy nổ cũng là nguyên nhân. Việc xe không được bảo dưỡng định kỳ, hao hụt dầu bôi trơn hoặc nước làm mát khiến động cơ hoạt động ở trạng thái quá nhiệt, gây hiện tượng bó máy, các chi tiết liên quan đến hệ thống điện bị chập thì cũng dễ dẫn đến cháy xe.
Xe bảo dưỡng định kỳ khó xảy ra cháy
KS Lê Văn Tạch cho rằng, các chủ xe là nên tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ. Trên bất kỳ chiếc xe nào cũng tồn tại một vài bộ phận có “vòng đời” hoạt động ngắn và buộc phải thay thế theo quy định. Những chi tiết tiếp xúc trực tiếp với khí hậu hoặc vận hành ở khu vực có cường độ nhiệt cao như ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện,… dễ bị lão hóa sớm, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy. Việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện chi tiết bị hỏng bất thường và kịp thời thay thế những bộ phận hết niên hạn, từ đó loại bỏ đi những thành phần không cần thiết có thể trở thành mầm họa gây cháy xe.
Theo TS Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội, cách sử dụng xe cũng có thể là nguyên nhân gây cháy xe. Vận hành xe không đúng kỹ thuật làm tăng nhiệt độ chi tiết, phát sinh tia lửa điện. Trường hợp ga to khi chưa vào số hoặc số thấp gây nóng các lá côn. Vào số đột ngột không giảm ga gây va đập bánh răng và phát sinh tia lửa. Tăng giảm ga liên tục làm nóng động cơ. Quá trình khởi động nhiều lần liên tục (thường xảy ra khi xe gặp hiện tượng khó nổ) làm nóng và cháy bộ đề, đồng thời nhiên liệu và nhiều trong xylanh, bị đẩy đường xả có thể gây cháy trên đường xả. Tốt nhất là nên thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng xe.
Các chuyên gia lưu ý, với những chiếc xe ô tô gầm thấp khi lưu thông trên đường có phơi rơm rạ phải kiểm tra rất cẩn trọng, vì đã có đến 12 xe ô tô bị cháy do nguyên nhân này. Ở cả xe máy và ô tô, tại vị trí cổ xả và trên đường ống xả, nhiệt độ khá cao, có thể dễ dàng gây cháy nếu có vật dễ cháy bám vào.