Lương tăng không kịp tiền điện
Vài tháng qua, người dân cả nước phải đương đầu với đợt nắng nóng kéo dài, cao điểm. Đi kèm với nắng nóng là một vấn đề “nóng” không kém. Tháng 5/2020, nhiều khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp nhiều lần mức tiêu thụ bình thường. Cá biệt, tiền điện nhiều hộ chỉ từ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng bỗng nhiên lên tới hàng chục triệu, thậm chí gần trăm triệu đồng.
Hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5 (6/5 - 5/6 năm 2020) của gia đình chị Phạm Thị Bình (Hà Nội) lên đến hơn 4,2 triệu đồng. Trong khi ngay các mùa nóng trước, gia đình chị chỉ dùng điều hòa buổi tối cũng chỉ hết trên dưới 1,5 triệu đồng. Nhà có 4 người, không kinh doanh gì, thời tiết nắng nóng nên sử dụng điều hoà nhiều hơn nhưng không thể tiêu thụ số điện lên gấp 3 lần như vậy - chị Bình nghi vấn. Chị cho biết rất lo ngại nếu hóa đơn tiền điện tháng 7 tiếp tục tăng cao. Còn một hộ dân khác thì than thở: "Lương năm nay có tăng chắc cũng không bù nổi tiền điện tăng gấp 3 lần thế này".
Đã thế, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến tại nhiều địa phương. Gần đây nhất, ngày 21/6/2020, bà Đào Thị Gái - mã khách hàng: PA03VDVD04924 (địa chỉ Thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) kiến nghị lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về sản lượng điện tiêu thụ tháng 6/2020 tăng cao đột biến, với số tiền lên tới gần 89,4 triệu đồng, trong khi sản lượng thực tế sử dụng của gia đình bà chỉ là 368.335đ.
Qua kiểm tra, Công ty Điện lực Quảng Ninh thừa nhận đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình chốt chỉ số công tơ. Công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.
Tiền điện tăng “phi mã”, nhiều khách hàng bày tỏ băn khoăn về cách tính tiền điện và sự thiếu chính xác trong cách đo đếm điện năng tiêu thụ của EVN. Mặc dù phía điện lực đã lên tiếng giải thích với khách hàng, hoá đơn tiền điện tăng "sốc" là do thời tiết nắng nóng, nhưng khách hàng vẫn cảm thấy nghi ngại với việc ghi số điện và cách tính tiền điện. Người dân cũng thắc mắc tại sao đến thời điểm hiện tại đã chậm 6 tháng sau lần cuối cùng xin gia hạn, nhưng vẫn chưa công bố kết quả thanh tra giá điện.
Khách hàng Đỗ Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đang tập hợp những khách hàng bức xúc để khởi kiện EVN không minh bạch trong cách tính số điện. Theo ông Nam, công tơ điện tử có chip quản lý nên việc điều khiển công tơ chạy thế nào hoàn toàn có thể được thực hiện qua con chip này. Để chứng minh công tơ chạy luôn đúng, EVN cần đưa ra source code (mã nguồn) của con chip điều khiển này cho một đơn vị giám định trung gian.
Tiền điện tháng 6 còn tăng cao hơn nữa?
Theo khách hàng Đỗ Nam, để tránh kiện cáo và bất mãn về độc quyền điện lực, EVN phải chứng minh việc ghi số điện là chính xác; chứng minh EVN thông báo số điện cho khách hàng đúng thời điểm ghi nhận vào hệ thống tính tiền điện, đồng thời cho phép khách hàng kiểm tra mã nguồn (Source code).
Số liệu thống kê của EVN cho thấy, có tới hơn 3,1/26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó. Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.
EVN cũng cho biết, tính đến ngày 20/6/2020 đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020). Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.
Đại diện EVN khuyến cáo, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 - 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Vì vậy, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều. Cùng với đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, việc hoá đơn tiền tiện tăng "sốc" thời gian vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ. Rất nhiều người cùng phản ánh về việc hoá đơn tiền điện tăng bất thường thì EVN cần làm minh bạch vấn đề này.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, bản chất của vấn đề là tính độc quyền của EVN trên thị trường bán lẻ dễ dẫn đến hành vi thao túng và bắt chẹt người tiêu dùng. Giải pháp căn cơ là tự do hóa thị trường bán lẻ điện càng nhanh càng tốt, giống như thị trường bán gas hiện nay. Đề xuất này không có gì mới hay lạ, vì đã nằm trong quy hoạch cải cách ngành điện rồi, chỉ là làm quá chậm mà thôi. Phải cải cách cơ chế sao cho hành xử của EVN với người dân trung thực hơn, minh bạch hơn.