<div> <p>Ngày 4/1, ông Hùng trả lời <em>VnExpress</em> về quy định xử phạt người vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019. </p> <p><em>- Ông đánh giá thế nào về mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 mới được Chính phủ ban hành?</em></p> <p>- Thời gian qua, tai nạn liên quan tới rượu bia vẫn là nỗi nhức nhối trong xã hội, để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Chúng ta không bao giờ quên vụ <span>lái xe container</span> sử dụng rượu bia và ma túy đâm vào hàng loạt người dân đang chờ đèn đỏ tại Long An đầu năm 2019, vụ lái xe sử dụng rượu bia đâm vào xe máy làm <span>hai người chết</span> tại hầm Kim Liên (Hà Nội), hay người chồng say rượu tự đâm vào dải phân cách làm vợ và hai con tử vong tại Bắc Giang... Đây chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều vụ tai nạn liên quan tới uống rượu bia khi lái xe.</p> <p>Bởi vậy với hành vi đặc biệt nguy hiểm như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe, tôi cho rằng hoàn toàn có đủ căn cứ để nâng cao mức phạt tương xứng với mức độ nguy hiểm của vi phạm như Nghị định 100. Việc này không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, là đòi hỏi cấp bách của xã hội. </p> <p>-<em> So sánh với các nước, mức phạt của Việt Nam như thế nào?</em></p> <p>- Nếu xét thuần túy về tiền, mức phạt của Việt Nam không phải cao; nếu xét mức phạt tổng thể thì vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.</p> <p>Với người đi xe máy, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng bị phạt 6-8 triệu đồng và người đi ôtô 30-40 triệu đồng, tương đương 1-2 tháng lương (giả định người đi xe máy có thu nhập 3-5 triệu và đi ôtô có thu nhập 15-20 triệu mỗi tháng).</p> <p>Nhìn sang các nước, Nhật Bản phạt 5.000-10.000 USD, Anh và Singapore khoảng 4.000 USD (khoảng 1-2 tháng lương) thì người vi phạm còn chịu phạt tù từ 3-6 tháng (ở Anh, Singapore) và tới 3 năm (ở Nhật, Hàn Quốc), kèm theo tước bằng, chịu lao động công ích và học lại luật, thi lại bằng. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, tất cả trường hợp đó đều bị tăng bảo hiểm trách nhiệm dân sự rất nhiều. </p> <p>Trong điều kiện Việt Nam, nâng mức phạt như Nghị định 100 là cần thiết, không quá cao nhưng mới giải quyết được một góc của vấn đề. Hiện nay xử phạt xong là hồ sơ lái xe lại như mới nên tính giáo dục răn đe không cao. Thời gian tới, cần có hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý lái xe tái phạm và phạt lũy tiến nếu tái phạm thì tính răn đe sẽ rất cao.</p> <p>Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể cho Điều 260, Khoản 4, Bộ luật Hình sự 2015 về xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn, ma túy; đồng thời đa dạng hóa hình thức xử lý như bổ sung loại hình lao động công ích, tăng mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới... Tôi cho rằng đây là những bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý vi phạm nghiêm trọng về trật tự an toàn giao thông.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: MT" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/22/a-hung-7062-1578118231.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: <em>M.T.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><em>- Mức phạt tăng cao, người vi phạm sẽ xin xỏ nhiều và có thể làm gia tăng hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông. Ông nghĩ sao về khả năng này?</em></p> <p>- Nhiều quốc gia khác cũng lo ngại tương tự. Trước khi có một chính sách sắp ban hành, họ lo không đủ lực lượng, thậm chí lo không đủ nhà tù vì coi vi phạm giao thông là tội phạm. Nhưng khi triển khai nghiêm thì kết quả ngược lại với những lo ngại này: vi phạm giảm mạnh do người dân sợ vi phạm bị xử lý nghiêm, tuân thủ pháp luật tốt hơn. </p> <p>Chúng ta không nên né tránh một hành vi sai như xin xỏ, can thiệp, tiêu cực... để chấp nhận một hành vi sai khác là uống rượu bia khi lái xe, vốn vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Với hiện tượng tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ (nếu có), tôi cho rằng phải có giải pháp như tăng cường giám sát của người dân và báo chí, tăng cường thanh tra công vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện quy trình nộp phạt. Và quan trọng phải có biện pháp bảo đảm lực lượng thực thi công vụ không dám vi phạm.</p> <p><em>- Một số loại trái cây, nước giải khát có thể có cồn. Làm sao phân biệt giữa cồn của rượu bia và cồn khi ăn hoa quả?</em></p> <p>- Về mặt lý thuyết một số ít hoa quả để lâu lên men có thể có chút ít nồng độ cồn nhưng ở mức vô cùng thấp, cơ thể con người cũng hấp thụ và thanh lọc lượng cồn nhỏ này rất nhanh chóng. Không ai mua hoa quả về để lên men mới ăn và nếu có vô ý ăn thì phải ăn tới hàng kg mới đủ lượng cồn ở mức đáng kể, bởi vậy điều đó rất khó xảy ra trong thực tế.</p> <p>Mặt khác, các nhà sản xuất thiết bị đo nồng độ cồn đã tính toán để có thể nhận diện các mức độ và chỉ ghi nhận khi nồng độ cồn ở mức nhất định. Bởi vậy nếu uống rượu bia thì chắc chắn bị phát hiện, còn việc ăn hoa quả thì có thể yên tâm. </p> <p>Theo tôi, không nên để những lập luận thổi phồng vấn đề như vậy gây lo ngại cho dư luận. Cảnh sát giao thông sẽ không phạt những trường hợp ăn vài quả vải hay sử dụng nước súc miệng, tôi tin tưởng như vậy. </p> <p><em>- Theo ông, người dân nên cư xử thế nào khi rượu bia được sử dụng phổ biến trong các đám hiếu hỉ, tiệc tùng?</em></p> <p>- Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu bia một cách hợp pháp, chỉ cấm không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Một cơ quan tổ chức sự kiện, có sử dụng nhiều rượu bia, nếu ban tổ chức bổ sung luôn chi phí đi lại bằng xe công cộng cho từng người, hoặc thuê xe cho người lao động thì rủi ro tai nạn giao thông gần như không có. Hoặc thay vì uống rượu bia tại một quán xa nhà vào ngày làm việc, chúng ta nên tìm một nơi gần nhà vào dịp cuối tuần để có thể đi bộ hoặc vận tải công cộng.</p> <p>Chúng ta cũng có thể đi nhờ, cắt cử một vài người không uống rượu để chở những người khác về nhà, hoặc nhờ người thân đưa đón, hoặc sử dụng vận tải công cộng như xe buýt, xe ôm công nghệ... Rõ ràng có rất nhiều lựa chọn để người dân vẫn có thể uống rượu bia mà không phải điều khiển phương tiện. </p> <p>Ngoài ra, có một lĩnh vực mà cơ quan quản lý cũng phải quan tâm đầu tư phát triển, đó là không gian đi bộ và vận tải công cộng, không chỉ ở thành phố lớn mà tất cả mọi nơi. Chúng ta đang sống trong môi trường mà cơ cấu phương tiện đi lại rất bất hợp lý, lệ thuộc lớn vào xe cá nhân trong khi các phương thức vận tải công cộng còn rất hạn chế. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương phải làm được trong thời gian tới. </p> <p>-<em> Ông đã chấp hành quy định nồng độ cồn như thế nào?</em></p> <p>- Tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đã uống rượu bia là không điều khiển phương tiện. Tôi thường chỉ uống rượu bia rất có chừng mực sau khi đã về nhà, hoặc đi bộ ra quán gần nhà, nếu có sử dụng rượu bia ở xa thì đi taxi hoặc xe buýt. Tất nhiên, tôi hiểu rằng không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận vận tải công cộng như vậy và rất phải nói rất trung thực là cũng đã phải từ chối nhiều bữa tiệc nếu phải điều khiển phương tiện. </p> <p>Một số người lập luận cho rằng chỉ có tiền uống rượu chứ lấy đâu ra tiền đi taxi, tôi không đồng ý. Nếu một người không đủ tiền đi lại bằng vận tải công cộng thì tôi cho rằng người đó cũng không nên thường xuyên la cà ngoài quán uống rượu bia. Họ nên cầm những đồng tiền đó về cho gia đình vì đó là nơi đang cần những đồng tiền của họ nhất. Thói quen uống rượu bia quá đà của một số người cũng phải thay đổi, không thể thường xuyên uống rượu bia say xỉn mới về nhà. Hành vi đó cả xã hội cần phản đối.</p> </div> <p><a href="https://vnexpress.net/thoi-su/nang-muc-phat-vi-pham-nong-do-con-la-doi-hoi-cap-bach-4037168.html"><em>Theo VnExpress.net</em></a></p>