<div> <p style="text-align: justify;">Liên quan đến vụ việc một số trường trong đó có ĐH Đồng Nai cố tình nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt thí sinh, TS. Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Đồng Nai cho biết, trường rất tiếc và có lỗi với thí sinh nhưng không thể làm khác được.</p> <p style="text-align: justify;">Trong các lần lọc ảo tại phần mềm của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành đào tạo như Sư phạm Vật lý của trường chỉ ở mức sàn là 18 điểm. Sau khi tiến hành lọc ảo chỉ có 3 sinh viên trúng tuyển và không đủ điều kiện mở lớp.</p> <p style="text-align: justify;">Vì thế, nhà trường buộc phải lấy điểm 24,7 để các em này trúng tuyển nguyện vọng khác, có cơ hội học ĐH khác.</p> <p style="text-align: justify;">Chúng tôi cũng đã tính các phương án khác như nhận thí sinh rồi chuyển sang trường có đào tạo sư phạm ngành Vật lý và đã liên hệ nhưng không trường nào đồng ý. Bởi lẽ, các trường đó có quy định nếu muốn chuyển, các em đó phải học ít nhất một học kỳ hay một năm. Trong khi đó, nhà trường lại không thể mở lớp thì không thể đào tạo các em ấy một học kỳ, một năm".</p> <p style="text-align: justify;">Trên Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục Trường ĐH Giáo dục cho rằng, nếu nhìn ở góc độ tích cực và theo tinh thần đổi mới thì đây là chuyện hoàn toàn bình thường.</p> <p style="text-align: justify;">Chúng ta phải chấp nhận có những thay đổi trước yêu cầu của đổi mới giáo dục. Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thực hiện tự chủ trong đào tạo. Vì thế phải tính đến tình huống, các trường có đủ điều kiện để đào tạo hay không? Trong trường hợp chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, mà nhà trường vẫn tổ chức để đào tạo thì không chỉ là lãng phí nguồn nhân lực, tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình đào tạo sinh viên sau này.</p> <p style="text-align: justify;">Mặt khác, chính sách tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH “n” nguyện vọng. Vì thế, thí sinh có thể trượt ngành này nhưng vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành khác, trường khác để học tập. Do đó, việc nhà trường không tiếp nhận thí sinh cũng là tạo cơ hội để các em lựa chọn ngành nghề khác phù hợp với nguyện vọng của mình. Tôi cho rằng, xét về bản chất thì thí sinh không phải trượt ĐH hoàn toàn và cũng không hề mất đi cơ hội học tập của mình.</p> <p style="text-align: justify;">Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm chuẩn trúng tuyển là do các trường ĐH tự xác định. Nhà trường có thể hạ điểm chuẩn để tuyển sinh. Trong trường hợp quá ít thí sinh thì họ cũng có thể tăng điểm chuẩn lên để không mở ngành. Đó là chuyện bình thường và không vi phạm luật cũng như không vi phạm Quy chế.</p> <p style="text-align: justify;">Tôi hiểu dư luận đang nhấn mạnh ở chỗ một số trường ĐH đang “cố tình” nâng điểm để đánh trượt thí sinh. Nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh và nhìn nhận đánh giá ở nhiều góc độ. Hiện nay, có một số ngành đặc thù, nhà nước đặt hàng các trường đào tạo.</p> <p style="text-align: justify;">Với những ngành này, dù có ít thí sinh thì nhà trường cũng phải tổ chức đào tạo. Chẳng hạn như: Nhà nước đặt hàng cho một số trường ĐH đào tạo nhân lực ngành Điện hạt nhân, Triết học... Giả sử trường chỉ tuyển sinh được 5 - 10 thí sinh thì họ vẫn phải tổ chức đào tạo. Nếu anh cố tình không đào tạo sẽ là vấn đề bất thường.</p> <p style="text-align: justify;">Nhưng ở một số lĩnh vực, ngành nghề mà có nhiều cơ sở giáo dục cùng đào tạo thì sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ trong tổ chức đào tạo. Tức là các trường sẽ phải căn cứ vào điều kiện cần và đủ để đáp ứng quá trình đào tạo đó. Do đó nếu chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển thì liệu rằng, có bảo đảm điều kiện cần và đủ để nhà trường tổ chức đào tạo hay không?".</p> <div> <div> <div style="text-align: justify;"> </div> </div> </div> </div>