Con chị Lê Hiếu Hiền (Mỗ Lao, Hà Nội) hơn 1 tuổi nhưng rất còi và lười ăn, mỗi lần khám phá ra một món cháu thích là chị rất vui. Tình cờ hôm nhà mất điện, phải nấu cơm bằng nồi thường, chị đổ nước quá tay nên chắt ra pha chút đường vào uống, không ngờ cháu kéo tay, đòi uống và uống hết bát nước. Từ hôm sau, chị năng nấu cơm bằng nồi thường hơn để chắt nước pha đường hoặc sữa cho cháu uống. Nhưng có người nói, pha với sữa sẽ khó hấp thu, chị đâm lo.
LY. Vũ Quốc Trung, Hội Đông y VN cho biết, trước đây khi sữa khan hiếm, nhiều gia đình đã chắt nước cơm cho con uống để con lớn nhanh, khỏe mạnh. Nước cơm có các tinh chất rất tốt giúp ngăn ngừa viêm dạ dày, đường ruột và phòng được nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Trong hạt gạo, lượng tinh bột chiếm 70%, trong đó khoảng 8% lượng protein và nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, các chất khoáng như natri, photpho…Mặc dù lượng vitamin và khoáng chất có hàm lượng rất nhỏ trong nước cơm nhưng có vai trò quan trọng về dinh dưỡng và chuyển hóa quan trọng trong cơ thể con người. Khi nấu cơm, mẹ nên chờ cơm sôi kỹ mới chắt nước để nguội cho con uống. Khi uống nên uống nước cơm nguyên chất, không nên cho đường hay sữa vì sẽ làm giảm tác dụng của các thành phần trong nước cơm. Nước cơm chỉ bổ sung dinh dưỡng chứ không thay thế cho sữa mẹ hay sữa bột, vì vậy nước cơm được coi là bữa phụ bổ sung dinh dưỡng, giúp hệ thống tiêu hóa của bé tốt hơn.