Giúp người cao tuổi đủ năng lượng trong ngày
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, chức năng miễn dịch của người cao tuổi tuy không còn mạnh mẽ như khi còn trẻ, nhưng theo các nghiên cứu do Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), hầu hết mọi người, chức năng miễn dịch của họ vẫn còn khá ổn ở độ tuổi 60, hoặc thậm chí ở độ tuổi 70 và lâu hơn nữa nếu giữ nếp sống lành mạnh và điều độ.
Người cao tuổi dễ bị suy dinh dưỡng, mất các khối cơ dẫn đến suy giảm miễn dịch, chống lại bệnh tật kém. |
Người cao tuổi dễ bị suy dinh dưỡng, mất các khối cơ vì hệ thống tiêu hóa làm việc kém, không còn ngon miệng dẫn đến suy giảm miễn dịch, chống lại bệnh tật kém. Có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày để nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho người cao tuổi, giúp họ nạp đủ năng lượng vào cuối ngày.
Trước tiên, cần đảm bảo để người cao tuổi ăn đủ, đa dạng thực phẩm vì hệ thống miễn dịch cần năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp để sản xuất tế bào miễn dịch. Bao gồm các chất dinh dưỡng đa lượng, vitamin và khoáng chất: vitamin C và D, cũng như B6, B12 và folate, kẽm, đồng, sắt và selen, cũng như axit amin cần thiết và axit béo thiết yếu. Cá, trái cây và rau củ là vài trong những thực phẩm tăng cường miễn dịch tốt nhất, do hàm lượng polyphenol cao, đặc biệt là flavonoid - các chất chống viêm và chống oxy hóa.
Để giúp người cao tuổi dễ tiêu hóa, cần chọn các thức ăn mềm. Ví dụ, một bát cháo trắng thêm trứng, thịt băm và dầu mè; hoặc để tăng hàm lượng protein, có thể thêm bột sữa vào đồ uống mạch nha hoặc trà cho người cao tuổi; tăng cường đồ ăn nhẹ và đồ uống nhiều đạm như bột ngũ cốc, bánh quy kem và sữa đậu nành.
Cần lưu ý, người cao tuổi là nhóm đối tượng ít có cảm giác khát và ngại uống nước vì sợ đi vệ sinh nhiều, do vậy, người trong gia đình phải chú ý nhắc nhở người lớn tuổi uống đủ nước, đặt các bình nước ấm ở nơi thuận tiện.
Người cao tuổi cần nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày để nạp đủ năng lượng. |
Bên cạnh dinh dưỡng, người cao tuổi phải luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, giữ ấm và làm sạch đường mũi họng, đeo khẩu trang nếu phải ra đường khi cần thiết, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc; cùng với cuộc sống năng động, tập luyện đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng. Nên khuyến khích người cao tuổi đi dạo quanh phòng và nhớ lót thảm để tránh trượt chân, té ngã. Vận động, đi lại khiến máu huyết lưu thông, tốt cho sức khỏe hơn là nằm hay ngồi một chỗ.
Tinh thần càng thoải mái càng khỏe
Theo BS.KII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), những người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 phần lớn là những người có bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch...
Tổn thương ở phổi là do virus tấn công vào đường hô hấp. Bên cạnh độc lực của virus vốn đã cao vì là virus chủng mới, sự phát triển và độc lực của virus khi vào cơ thể người còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch của từng cá thể. Vì vậy, có thể hai người cùng nhiễm corona virus, người nào có hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt hơn, sẽ dễ chống lại sự tấn công của virus hơn.
Người cao tuổi phản xạ ho và hắt hơi kém hiệu quả, khiến loại bỏ virus gây ra Covid-19 sẽ gặp khó khăn. Các tổn thương phổi và bệnh mạn tính tích lũy ở người cao tuổi từ những thói quen như hút thuốc hoặc hít thở không khí ô nhiễm càng làm tình trạng bệnh tiến triển nặng và nghiêm trọng.
BSCKII Võ Đức Chiến cho biết, về mặt khoa học, nếu như một cơ thể luôn có năng lượng tích cực, vui, hoạt bát, sức đề kháng, miễn dịch sẽ tăng. Như vậy, cộng đồng và gia đình cần phải quan tâm đến người lớn tuổi để làm sao kích hoạt được nguồn năng lượng tích cực này.