<div> <div> <div>Bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên 13 - 14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nạn nhân liên tục kêu oan và mới đây được TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định cho thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, sau khi bị tạm giam hơn 2 năm.</div> <div>Cụ thể, như <em>Thanh Niên</em> đã thông tin, ngày 28.4, TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại đối với ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi, ngụ số 138 Nguyễn Danh Đới, P.Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi, vợ ông Lẫm), hai bị cáo trong vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Thái Bình vào tháng 4.2018. Đây cũng là hai bị cáo từng tố cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 49 tuổi, quê TP.Thái Bình, từ tháng 4.2020 đến nay bị Cơ quan điều tra Công an TP.Thái Bình bắt tạm giam, khởi tố về hàng loạt hành vi) chiếm giữ công ty, lấy đi nhiều chứng từ, tài sản, trong đó có biên lai trả khoản nợ dẫn đến việc họ bị khởi tố, bắt giam sau đó.</div> <div>Trong quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, TAND cấp cao nêu: Xét thấy bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết có địa chỉ cư trú rõ ràng, có đơn bảo lĩnh của con trai, con dâu và em trai nên thấy không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, cần thay thế bằng biện pháp bảo lĩnh. Hai bị cáo cũng khẳng định họ được tại ngoại sau khi gia đình làm đơn bảo lĩnh, căn cứ điều 121 bộ luật Tố tụng hình sự 2015.</div> </div> <h2>Bất ngờ bị người khác tố cáo sau khi tố cáo Đường "Nhuệ"</h2> <div> <div>Vui mừng và khá bất ngờ trước quyết định của TAND cấp cao, ông Nguyễn Văn Lẫm cho biết: “Tôi cảm giác như từ trên trời rơi xuống và tin vụ án của vợ chồng tôi sẽ được xem xét lại. Tôi mong TAND cấp cao hủy bản án sơ thẩm, trả tự do cho vợ chồng tôi tại tòa phúc thẩm. Mong các cấp có thẩm quyền điều tra lại toàn bộ vụ việc, bắt đầu từ thời điểm Đường “Nhuệ” chiếm công ty, hủy hoại nhiều tài sản của chúng tôi”.</div> <div>Tháng 6.2019, ông Lẫm và bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình bị khởi tố, truy tố và xét xử, cả hai cùng người nhà liên tục làm đơn kêu oan, rằng họ đã trả nợ 900 triệu đồng cho người tố cáo là ông Đỗ Văn Tới, có giấy biên nhận. Tuy nhiên, giấy tờ liên quan đã bị mất sau khi Công ty TNHH Lâm Quyết của ông bà bị nhóm Đường “Nhuệ” chiếm đoạt và lấy đi một số giấy tờ.</div> <div>Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định đủ cơ sở khẳng định vợ chồng ông Lẫm vay tiền của ông Tới thông qua hai hợp đồng vay vốn, tài sản thế chấp là 1 ô tô, với cam kết tài sản này ông Lẫm không được bán, thế chấp, tặng cho bất cứ ai trong thời gian vay tiền nếu không có sự đồng ý của ông Tới. Tuy nhiên, khi chưa trả được nợ, các bị cáo đã bán xe cho người khác; đồng thời, gian dối nại ra lý do anh Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết dẫn đến mất giấy tờ biên nhận. HĐXX sơ thẩm xác định các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý nhằm chiếm đoạt 900 triệu đồng của người bị hại.</div> <div>Theo hồ sơ Thanh Niên thu thập được, năm 2017, ông Lẫm và bà Quyết có vay của Đường “Nhuệ” 1,7 tỉ đồng. Sau đó Đường “Nhuệ” đòi nợ, vợ chồng ông Lẫm xin khất nhưng người này không đồng ý và yêu cầu bán lại Công ty TNHH Lâm Quyết để trừ nợ. Ngày 3.10.2017, khi vợ chồng ông Lẫm đi vắng, Đường “Nhuệ” dẫn người đến chiếm giữ Công ty TNHH Lâm Quyết. Trong thời gian đó, Đường "Nhuệ" liên tục gọi điện đe dọa, lăng mạ vợ chồng ông Lẫm. Ngày 16.10.2017, gia đình ông Lẫm gửi đơn tố cáo Đường “Nhuệ” về hành vi tổ chức chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa giết người, lăng mạ. Đến ngày 19.10.2019, Đường “Nhuệ” mới rút hết người ra khỏi Công ty TNHH Lâm Quyết. “Khi đàn em của Đường "Nhuệ" rút đi, tất cả giấy tờ trong công ty tôi cũng biến mất; trong đó có nhiều hồ sơ, tài liệu, giấy xác nhận trả tiền nợ của vợ chồng tôi, bao gồm của ông Tới”, bà Quyết cho biết.</div> <div> <table align="center"> <tbody> <tr> <td> <div><img alt="Nạn nhân tố cáo Đường “Nhuệ” được tại ngoại sau 2 năm tạm giam: Có bất thường ? - ảnh 1" /> <div> <div> <p>Ông Lẫm, bà Quyết (giữa) khi được tại ngoại</p> </div> </div> </div> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <div> <div>Trong quá trình làm đơn tố cáo băng nhóm Đường “Nhuệ”, thấy vụ việc có diễn biến phức tạp nên vợ chồng ông Lẫm đã có đơn tố cáo lên Công an tỉnh Thái Bình về việc lãnh đạo Công an TP.Thái Bình giải quyết đơn tố giác tội phạm không công tâm, có dấu hiệu bao che tội phạm. Tuy nhiên, đến ngày 29.3.2018, ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình, đã ký thông báo về việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tố cáo của ông Lẫm, bà Quyết với Đường “Nhuệ”. Tiếp đó, ngày 16.4.2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới làm đơn tố cáo.</div> </div> <h2>Thay đổi biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tình tiết mới</h2> <div> <div>Trường hợp bị cáo đang ở giai đoạn xét xử như ông Lẫm, bà Quyết được tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại không phải là cá biệt. Chẳng hạn, hồi năm 2017, trong vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị quy kết lừa đảo ông Cao Toàn Mỹ để chiếm đoạt hơn 16 tỉ đồng (khung hình phạt bị truy tố từ 12 - 20 năm, tù chung thân), sau 2 lần tòa sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung vì bị cáo kêu oan thì chiều 29.6.2017, theo đề xuất của HĐXX, TAND TP.HCM đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phương Nga, Thùy Dung. Vụ án sau đó được đình chỉ điều tra.</div> </div> <div> <table> <tbody> <tr> <td> <div> <h3>Điều kiện bảo lĩnh</h3> <div> <div>Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.</div> <div>Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.</div> <div>Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:</div> <div>- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;<br /> - Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;<br /> - Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.<br /> Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.</div> <div>Trích điều 121 bộ luật Tố tụng hình sự 2015</div> </div> </div> </td> </tr> </tbody> </table> <div>Về việc tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn, một kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM cho biết tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Theo hồ sơ báo chí đăng tải, vợ chồng ông Lẫm bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất là 20 năm tù, tức thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, để tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì HĐXX phúc thẩm phải phát hiện ra tình tiết có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Khi đó, tòa án sẽ căn cứ vào điều 121 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không.</div> <div>Trong khi đó, luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết mặc dù bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết 14 và 13 năm tù nhưng bản án này chưa có hiệu lực pháp luật nên bị cáo chưa có tội. Bên cạnh đó, bản chất của việc tạm giam là tránh bị can, bị cáo làm ảnh hưởng, cản trở điều tra, xét xử. Song, nếu cấp phúc thẩm phát hiện có tình tiết mới, có dấu hiệu oan sai và xét thấy bị cáo có nơi cư trú, không bỏ trốn thì có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn nhằm giảm thiệt hại nếu phát sinh án oan, sai sau này.</div> </div> </div> <p> </p>